Trọng Sinh : Báo Thù Hôn Phu - 4
16.
Bùi Thù thất thần bước đi xa rồi.
Ta vội lau nước mắt, tự giễu: “Có phải trông ta rất buồn cười không?”
Vậy mà hắn nói với ta: “Tống cô nương từ trước đến nay luôn đối đãi chân thành với mọi người, rất tốt bụng, rất dũng cảm. Là hắn không xứng.”
Hắn kéo cổ tay ta lại.
Chỗ bị thương đó Bùi Thù không thấy, nhưng hắn nhìn thấy rất rõ ràng.
Cố Cửu Uyên lấy khăn tay cẩn thận lau cho ta, rồi dịu dàng băng lại.
Sau đó, hắn mở lòng bàn tay ta, đem những mảnh ngọc vỡ đó ném xuống đất.
“Ngọc vỡ rồi. Không cần nữa.”
Một chiếc vòng dương chi bạch ngọc rơi vào lòng bàn tay ta.
“Đổi cái mới. Cái mới tốt hơn.”
Trong vài tháng sống tại Trung Dũng hầu phủ, Cố Cửu Uyên có được một khối ngọc tốt.
Thời gian hắn rảnh rỗi cực kì ít, vậy nên luôn ở trong đêm, dưới ánh đèn mà đục đẽo.
Hắn non nớt, không giỏi điêu khắc, hai bàn tay đều chi chít vết thương.
Tổ phụ ta trông thấy bèn bảo hắn cầm ngọc đến cửa hàng tìm đại sư chạm khắc.
Cố Cửu Uyên lại nói hắn muốn tặng người ta, tự mình đẽo mới thể hiện thành ý.
Ta cho rằng hắn muốn tặng cho Lâm phi nương nương.
Nào ngờ, hắn lại tặng ta.
Vòng rất nhẹ nhưng như nặng cả ngàn cân.
Đè lên trái tim ta, khiến lòng ta nặng trĩu. Nước mắt chực chờ ở khóe mi ta.
“Vốn định nhân dịp sinh thần cô sẽ tặng cho cô. Nhưng ta không muốn nhìn thấy cô buồn.”
Ta bĩu môi: “Ta không có buồn.”
Cố Cửu Uyên chậm rãi nở nụ cười: “Đúng. Cô không buồn. Người buồn là ta.”
Chàng thiếu niên vốn luôn lạnh nhạt cương ngạnh, lần đầu tiên u sầu, phiền não.
“Cô buồn, ta càng buồn hơn. Tống cô nương, có phải ta bị bệnh rồi không?”
Ta ngơ ngác nhìn hắn: “Ngương nói gì?”
Hắn chăm chú nhìn ta, đôi mắt dịu dàng.
“Tống cô nương. Ta nói, ta thích nàng.”
17.
Không lâu sau yến thọ của thái hậu, người đứng đầu Khâm Thiên Giám làm việc thất trách bị tống vào nhà lao.
Kiêm quản Khâm Thiên Giám trong ngày đầu nhậm chức đã long trọng tuyên bố, thiên tượng mười bảy năm trước đã bị hiểu sai.
Cầu vồng quán nhật, chú định hào kiệt xuất thế.
Đến nay nên bình loạn, lập lại kỷ cương, chiếu cáo thiên hạ.
Lời phán định của Khâm Thiên Giám hàm ý gì, mọi người đều có tính toán.
Thứ tự chỗ ngồi thái hậu an bài trong thọ yến cũng được truyền tai nhau.
Tê Hà cung trang hoàng như mới. Bảo vật mang đến liên tục, nhiều như nước chảy.
Nhưng chủ nhân Tê Hà cung chẳng ngó ngàng đến những thứ này. Hắn vẫn thích chạy tới Trung Dũng hầu phủ.
Năm nay, ta mười lăm tuổi.
Cách tai họa giáng xuống nhà ta trong kiếp trước một tháng nữa.
Tâm trí ta trở nên không ổn định, ban đêm luôn mơ thấy ác mộng.
Nửa đêm tỉnh dậy, ta thường chạy tới trước phòng tổ phụ, tổ mẫu để xác nhận xem liệu họ có đang an giấc.
Một ngày nọ, ta bừng tỉnh từ trong mơ, ngoài cửa sổ tối đen như mực.
Đèn thắp đêm không biết bị gió thổi tắt bao giờ.
Ta ngỡ mình đang ở trong ngôi miếu đổ nát đó.
Ngay cả giày cũng chưa kịp mang, ta trở mình xuống giường, lảo đảo băng qua dãy hành lang dài.
Gió thét gào, mưa đêm lạnh buốt.
Hành lang này tựa như không có điểm dừng. Ta có tìm thế nào cũng không thấy phòng của tổ phụ và tổ mẫu.
Ta lạnh đến phát run, âm thanh thư bị chặn lại, thậm chí tiếng ú ớ cũng không thể phát ra.
Có một đôi tay từ phía sau vươn tới, ôm chặt ta vào lòng.
“Nhược Từ, nàng làm sao vậy?”
Ta liều mạng giữ chặt lấy vạt áo hắn, nói không đầu không đuôi: “Tổ phụ, tổ mẫu ta không còn nữa. Ta… Cố Cửu Uyên, ngươi đi cứu họ, ngươi…”
Đèn trong sân được thắp sáng.
Tùy tùng của tổ phụ tới hỏi: “Tiểu thư, xảy ra chuyện gì sao?”
Xa xa là tiếng tổ phụ: “Nhược Từ, cháu sao vậy?”
Ta thanh tỉnh.
Họ đều không sao cả.
Hóa ta, ta lại nằm mơ ư?
Cả người ta mềm nhũn, không nói được gì.
Cố Cửu Uyên trả lời thay ta: “Không có gì. Chỉ là ác mộng thôi.”
18.
Trong thư phòng, ánh nến lập lòe.
Ta vẫn mất khống chế run cầm cập. Cố Cửu Uyên lập tức cởi áo khoác lông chồn quấn lên người ta.
“Tỳ nữ của nàng nói dạo này nàng ngủ không yên giấc. Ta muốn đến thăm nàng. Quả nhiên…”
Hàng lông mày dài của hắn nhíu chặt, rũ mắt nhìn ta: “Nhược Từ. Nàng có tâm sự sao?”
Ta suy đi nghĩ lại nhưng vẫn không kể cho hắn nghe chuyện kiếp trước.
Dù có nói ra, hắn cũng không tin.
Ta chỉ xin hắn chú ý đến những cơn sóng ngầm trong triều. Nếu có tin tức bất lợi cho tổ phụ ta, nhất định phải càng thêm cẩn trọng.
“Tổ phụ ta tuổi trẻ chinh chiến sa trường. Vì lương thảo, vì thuộc hạ mà đắc tội bao người. Bây giờ tuổi người đã cao. Con cái đều vùi thây nơi biên ải. Ta chỉ mong người được an ổn tuổi xế chiều.”
Cố Cửu Uyên nhìn ta rất lâu.
Lâu đến nỗi ta không dám đối mặt nhìn hắn.
Sau cùng hắn đáp: “Được.”
Đêm nay hắn ở bên giường trông ta.
Ta nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Thật hiếm khi không mơ thấy ác mộng.
Trong mơ, ánh nắng rực rỡ, tổ mẫu nắm tay đứa bé con là ta đi chơi xuân.
Tổ phụ bế ta lên lưng ngựa, cao giọng cười vang.
“Cháu gái của ta phải tập đi từ trên lưng ngựa.”
Bàn tay người to lớn chắc nịch, đã cầm qua trường đao nhuốm máu, cũng nâng đỡ cho ta một tuổi thơ vô nghĩ, vô lo.
Ta không nhịn được mà siết chặt hơn, chặt hơn nữa.
Có như vậy, người mới không rời đi.
Đừng rời bỏ ta.
Đêm dài, một ngọn đèn dầu cô độc.
Chiếu ra bóng người đơn độc bên giường.
Hắn rũ mắt nhìn bàn tay đang bị nắm chặt, trong con ngươi là một mảng mực sâu thẳm.
19.
Từng ngày trôi qua.
Ta bàng hoàng phát hiện, lời tỳ nữ nói, món ăn nhà bếp làm dường như không có gì khác biệt so với cùng một thời điểm ở tiền kiếp.
Mỗi ngày ta đều xin quẻ, nhưng quẻ nào cũng là tuyệt cảnh, xăm nào cũng là hạ hạ.
Ta lo lắng đến ăn không ngon, ngủ không yên.
Ta xin thái hậu nghỉ ngơi vì bệnh.
Thực ra đó cũng không phải là lời nói dối.
Khoảng thời gian này, ta gầy đến độ gần như suy nhược.
Tổ phụ, tổ mẫu mời rất nhiều danh y cho ta.
Bọn họ chỉ nói, bệnh của thiên kim là tâm bệnh.
Tâm bệnh thì không có thuốc chữa.
Tổ mẫu sốt ruột đến mức gần như bật khóc và hỏi ta: “Nhược Từ, cháu đang buồn phiền chuyện gì?”
Ta chỉ biết nắm tay người.
Thân nhiệt ấm áp, mạch tượng ổn định.
Sau đó ta mới có thể thả lỏng và cười nhẹ: “Cháu không buồn phiền. Có mọi người ở đây. Cháu không lo gì cả.”
Nhưng đêm đến, ta không ngủ được. Vẫn đi tìm họ như cũ.
Ta bắt gặp tổ mẫu đang quỳ trong Phật đường, cầu xin Bồ Tát:
“Nếu như ta và phu quân đã định sẵn phải ra đi, người có thể nào phù hộ Nhược Từ của chúng ta một đời khỏe mạnh không ưu phiền?”
Ở phía sau người, tổ phụ chưa từng tin Thần Phật, rốt cuộc cũng quỳ xuống, khấu đầu lạy rất nhiều lần.
“Ta biết đời này của ta sát nghiệp quá nặng. Nếu có báo ứng, xin vận lên một mình ta. Đừng liên lụy đến cháu gái ta.”
Ta như bị sét đánh trúng.
Đêm tuyết rơi đầu tiên, trời rất lạnh.
Trong tiết xuân tháng ba ấy, người mơ giấc mơ giá lạnh thấu xương đó, chẳng lẽ không chỉ có một mình ta?
20.
Lâu lắm rồi Cố Cửu Uyên không tới tìm ta.
Nghe nói bệ hạ có ý muốn ban hôn cho hắn một vị quận chúa khác họ nào đấy, là một công thần có quyền lực cực cao ở vùng tây bắc.
Mọi người đều biết đây là mối hôn sự vô cùng tốt.
Một khi hôn lễ này thuận lợi diễn ra, Cố Cửu Uyên sẽ là thái tử.
Nhưng những việc này đều không liên quan đến ta.
Từ trước đến nay, giữa ta và Cố Cửu Uyên chỉ là quan hệ báo ân.
Đời này hắn được như ý nguyện, cũng xem như ta đã thực hiện lời hứa kiếp trước của mình.
Năm nay, ta mười sáu tuổi.
Qua ba ngày nữa chính là ngày nhà ta xảy ra biến cố như tiền kiếp.
Khắc khoải lo âu đến thời khắc này, tâm tạ lại bình lặng như nước.
Ta hạ bút viết nên một phong thư. Sau khi ta chết, sẽ có người đưa cho Cố Cửu Uyên.
‘Điện hạ đích thân mở.
Ta từ nhỏ đã ngang bướng, trước Phật tổ tùy tiện nói cười, không tin luân hồi.
Sau đó quả báo ứng nghiệm. Ta nhận lấy tận cùng sỉ nhục, vất vả vẫy vùng trong bùn lầy, khó tìm được đường sống.
Có người cùng ta tình sâu nghĩa nặng, lại trong ngày đó hồi môn mười dặm rước tân nương.
Còn có người chưa từng quen biết, cũng trong ngày đó, thúc ngựa ngàn dặm đến tìm ta.
Điện hạ, người nói không biết vì sao ta giúp người.
Thật ra, ta cũng không biết. Trong ngôi miếu hoang đó, người ấy tại sao lại đến giúp ta.
Câu hỏi của ta định sẵn chẳng có được đáp án. Nhưng ta không muốn người giống như ta.
Điện hạ, Tống Nhược Từ của Bồ Đề tiểu trúc không hề lương thiện, thuần khiết đến thế.
Nàng giúp người, chỉ vì người đã từng giúp nàng.
Điện hạ, giang sơn gấm vóc, tương lai tươi sáng vô hạn.
Nguyện người bình an, đời đời thái bình.’
Viết xong nét cuối cùng, dập lên sáp niêm phong.
Ta giao nó cho Lan Đinh cô cô. Bà ấy hỏi ta: “Cô nghĩ kỹ rồi ư?”
Ta không trả lời, chỉ quỳ xuống hành đại lễ với bà ấy.
“Trong cung đêm dài dằng dặc. Nhược Từ được cô cô chiếu cố, là phúc của ta.”
Bà ấy vuốt má ta, thấp giọng nói: “Cô và mẫu thân cô thực sự rất giống nhau.”