Hướng Dương Trong Vườn - 4
34.
Mẹ nuôi bỏ đi rồi, trên đường đi vừa khóc vừa mắng tôi vô lương tâm, bất hiếu.
Ông nội có chút lo lắng nói:
“Tiểu Quỳ, cháu là một cô bé ngoan, đừng để những người đó ảnh hưởng đến tâm trạng của mình, cứ chuẩn bị tốt cho kỳ thi.”
Tôi gật đầu và nhìn vào bức tường.
Mười năm rồi.
Trên giấy có một số vết ố vàng và dấu bút chì mờ nhạt.
Nhưng bài thơ này vẫn được dán ở đây.
Hoa hướng dương trong vườn xanh mướt, sương sớm đợi mặt trời chiếu rọi.
Mặt trời mùa xuân gieo khắp đời, vạn vật rực rỡ ánh hào quang.
Vẫn thường lo khi mùa thu đến, hoa lá cành úa vàng rệu rã.
Trăm sông hướng Đông chảy về biển, khi nào phương Tây đón sông về?
Thời trai trẻ lười biếng ham chơi, lúc bạc đầu chỉ biết khóc hận.
Tôi lẩm bẩm đọc, lặng lẽ siết chặt nắm tay.
Tôi của hiện tại sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai.
Tôi đã hứa với ông nội rằng tôi sẽ học thay ông, bước cao để nhìn ra thế giới bên ngoài.
Tôi còn muốn kiếm thật nhiều tiền để ông nội có thể tự hào và an tâm dưỡng lão.
Ngày tháng tốt lành của chúng tôi còn chưa đến, làm sao tôi có thể để một người đã bỏ rơi mình làm ảnh hưởng đến cuộc đời của chúng tôi chứ!
Tôi hít một hơi thật sâu, lại vùi đầu vào cuốn sách.
35.
Có một câu nói như thế này.
Nếu bạn biết mình đang đi đâu, cả thế giới sẽ nhường đường cho bạn.
Câu nói này miêu tả tâm trạng của tôi lúc đó.
Tôi đã vượt qua mọi chông gai, cuối cùng cũng chờ được kỳ thi tuyển sinh đại học.
Trong kỳ thi đại học, rất nhiều học sinh không muốn cha mẹ tiễn đi thi.
Nhưng tôi thì khác, tôi đã báo trước cho ông nội để ông qua đây với tôi.
Tôi muốn ông nhìn tôi bước vào phòng thi, nhìn tôi ngẩng cao đầu đi thực hiện thỏa thuận giữa chúng tôi.
Ông nội đến rồi.
Mặc bộ quần áo đẹp nhất, mái tóc được chải chuốt hoàn hảo.
Nhưng ông lại đứng cách xa đám đông.
“Ông nội, sao ông đứng xa thế?”
Tôi chạy đến bên ông.
“Đừng để các bạn của cháu nhìn thấy ông.”
Ông nội xấu hổ xoa xoa tay.
Ông luôn là người thẳng thắn khí phách, luôn có thể lao về phía trước khi đối mặt với hỏa lực của kẻ thù.
Nhưng vì tôi mà ông trốn sau lưng người khác.
Tôi biết ông lo lắng cái chân khập khiễng của mình sẽ khiến tôi trở thành trò cười cho người khác.
Tôi nắm lấy cánh tay ông, vẫy tay chào các bạn: “Đây là ông nội của tớ.”
“Chào ông ạ.”
Các bạn mỉm cười chào hỏi, sau đó lại nhao nhao đi đối chiếu đáp án.
“Đứa nhóc này.”
Ông nội nhìn tôi quở trách, nhưng trong mắt ông đỏ hoe.
Tôi mỉm cười và ôm cánh tay ông chặt hơn.
Nghèo thì sao chứ, què thì sao chứ.
Tôi không cảm thấy xấu hổ chút nào.
Tôi có người ông tuyệt vời nhất trên thế giới, tôi rất tự hào.
36.
Sau kỳ thi đại học, tôi tiễn ông nội về quê còn mình thì ở lại huyện làm việc.
Mấy năm nay ông nội đã quá mệt mỏi rồi, bây giờ tôi vừa có năng lực vừa có thời gian, cuối cùng cũng có thể chia sẻ sự vất vả của ông.
Tôi tìm được việc làm phục vụ trong một khách sạn, nơi này bao ăn bao ở, và làm các việc vặt.
Rửa rau, dọn bát, rửa bát, việc gì cũng phải làm.
Tôi làm việc bán thời gian trong khi chờ đợi kết quả thi.
Mỗi ngày dài như một năm.
Trông chờ mòn mỏi, ngày ấy cuối cùng cũng đến.
Tôi mượn điện thoại của ông chủ, run rẩy bấm điện thoại.
Sau thời gian dài chờ đợi, kết quả bắt đầu được công bố ở đầu bên kia của điện thoại.
Ngữ văn: 138.
Toán: 139.
Tiếng Anh: 135.
Vật lý: 282.
Tổng điểm: 694.
Toàn bộ thế giới đều chìm trong im lặng.
Chỉ còn lại giọng nói của nữ robot và tiếng tim đập thình thịch của tôi.
Tôi thành công rồi!
Tôi làm được rồi!
Đề thi năm đó khá khó, điểm trúng tuyển là 585.
Với số điểm của tôi, việc đỗ các trường 985 không thành vấn đề.
Tôi phấn khích đến mức gần như không cầm chắc được điện thoại, ngón tay run đến mức phải bấm hai lần mới được.
37.
Người duy nhất trong làng có điện thoại cố định là nhà trưởng thôn.
Tôi áp chặt điện thoại vào tai, mỗi giây âm thanh thông báo đều dài như vậy.
“Chú, cháu là Lý Tiểu Quỳ.”
Ngay khi điện thoại được kết nối, tôi liền nóng lòng nói.
“Tiểu Quỳ à, hôm nay công bố điểm thi đúng không, kết quả như thế nào?”
Giọng nói to của trưởng thôn vang lên trong ống nghe.
“Tốt lắm ạ, tổng điểm là 694.”
Tôi nén lại niềm vui trong lòng.
Chú ơi, chú để ông nội cháu nghe điện thoại nhé.”
“Giỏi quá, điểm cao như thế.”
Trưởng thôn cười ha ha nói:
“Nhưng ông nội cháu không ở đây, lát nữa chú sẽ đi báo cho ông ấy.”
Lòng tôi chợt dâng cao.
Ông nội biết hôm nay sẽ có kết quả, với tính cách của ông, lẽ ra ông sẽ đợi ở nhà trưởng thôn chứ.
Tại sao… ông lại không có ở đấy…
“Chú ơi, chú có thể giúp cháu đi gặp ông được không?’
Tôi run như cầy sấy, không biết từ lúc nào giọng nói đã bắt đầu nghe như sắp khóc.
Trưởng thôn cũng cảm thấy có điều gì đó không ổn, ông nhanh chóng an ủi tôi rồi cúp máy.
Toàn thân tôi cứng đờ, một nỗi sợ hãi chưa từng có tràn ngập khắp cơ thể tôi.
Tôi nhìn chằm chằm vào điện thoại, nhìn màn hình chuyển từ sáng sang tối đen.
Mỗi giây chờ đợi đều thật dài.
Dài đến mức tưởng như thời gian đã đứng yên, sẽ không bao giờ trôi qua.
Tôi ngây người chờ đợi, sau khoảng mười phút, điện thoại cuối cùng cũng đổ chuông.
Tôi nhấn nút trả lời ngay. “Chú ơi, ông nội cháu đâu rồi?”
“Cô bé, cháu về ngay đi.”
Trưởng thôn khàn giọng nói:
“Ông nội cháu, đi rồi.”
Lòng tôi chợt nặng trĩu.
38.
Tôi không nhớ mình đã quay về nhà như thế nào.
Chỉ nhớ là hình như tôi đã té ngã rất nhiều lần.
Khắp người dính đầy bùn đất, bàn tay và đầu gối đều bị trầy xước tróc da.
Tôi chạy một mạch, cổ họng đau như lửa đốt, muốn phun ra máu bọt.
Nhưng khi đến chân núi, tôi chợt cảm thấy hơi sợ hãi, từ từ dừng bước chân lại.
Con đường rải sỏi được ông nội làm cho tôi.
Mỗi viên đá đều có mồ hôi và tình yêu của ông.
Trên sườn dốc trồng một vườn hoa hướng dương.
Ông nội kể rằng khi Tiểu Quỳ vắng nhà, nhìn hoa cũng giống như nhìn thấy tôi.
Tôi chậm rãi, từng chút một tiến về phía ngôi nhà.
Đôi chân dường như chứa đầy chì, nặng nề đến mức như thể mình ngay lập tức sẽ khuỵu xuống.
39.
Ông nội, người thương tôi nhất trên đời, người tôi yêu nhất trên đời.
Thực sự đã ra đi rồi.
Một người đang nằm yên lặng trên giường, im hơi lặng tiếng, không biết đã qua đời từ lúc nào.
Rõ ràng những ngày khó khăn nhất đã qua.
Tôi đã đỗ vào một trường đại học lớn, tôi có thể làm việc và kiếm được nhiều tiền.
Tôi có thể đưa ông đi khắp thế giới, biến ông trở thành người ông vui vẻ và hạnh phúc nhất.
Nhưng tại sao vậy, ngay lập tức sẽ có một cuộc sống tốt đẹp thôi.
Nhưng ông lại rời đi rồi.
Tôi khuỵu xuống, nước mắt lăn dài trên mặt.
Tim tôi như có một tảng đá lớn đè lên.
Tôi muốn hét lên, muốn khóc và gọi ông nội thật to.
Nhưng cổ họng như có cuộn bông chặn lại, không thể phát ra âm thanh gì.
Chỉ có thể quỳ xuống dưới đất, tuyệt vọng nắm lấy tóc mình.
40.
Tang lễ của ông nội do trưởng trưởng thôn thu xếp.
Tôi là người đập ngói* và giương buồm*, cha tôi thậm chí còn không nhìn thấy mặt.
(*Đập ngói, giương buồm: hai nghi lễ trong đám tang.)
Tôi mặc đồ tang, quỳ lạy từng người đến thắp hương thăm viếng.
Ngày hôm đó, tôi dường như đã khóc hết những giọt nước mắt trong đời.
Sau tang lễ, trưởng thôn hỏi tôi số tiền học phí phải làm sao, có cần phải tìm người trong làng giúp tôi chi trả hay không.
Tôi chậm rãi lắc đầu.
Cả cuộc đời ông nội luôn rất kiên cường, không dễ dàng làm phiền người khác.
Tôi là cháu gái của ông ấy, không thể làm ông ấy mất mặt được.
41.
Tôi quay về thị trấn một mình.
Đi làm, tiết kiệm tiền, học cách hòa đồng với người khác, chuẩn bị vào đại học.
Mọi thứ dường như không có gì thay đổi.
Nhưng chỉ có tôi mới biết có bao nhiêu đêm yên tĩnh.
Tôi vuốt ve bài thơ cũ ố vàng, bật khóc khi nghĩ về ông nội.
Hoa hướng dương trong vườn xanh mướt, sương sớm đợi mặt trời chiếu rọi.
Mặt trời mùa xuân gieo khắp đời, vạn vật rực rỡ ánh hào quang.
Vẫn thường lo khi mùa thu đến, hoa lá cành úa vàng rệu rã.
Trăm sông hướng Đông chảy về biển, khi nào phương Tây đón sông về?
Thời trai trẻ lười biếng ham chơi, lúc bạc đầu chỉ biết khóc hận.
Ông ơi, Tiểu Quỳ rất chăm chỉ.
Tinh thần không sa sút, không lay lắt sống qua ngày.
Vẫn luôn là người có ích.
Tôi lẩm bẩm nói, áp tờ giấy vào ngực.
42.
Trước kia, ông nội là động lực để tôi tồn tại, là lý do để tôi nỗ lực.
Nhưng bây giờ, ông nội đã không còn nữa.
Ông đã dạy tôi nên người, luôn chỉ đường cho tôi phải tiếp tục sống thật tốt.
Học tập, thi nghiên cứu sinh, làm việc, khởi nghiệp.
Tôi chăm chỉ, làm việc đến nơi đến chốn, từng bước có được chỗ đứng ở thành phố.
Tài trợ cho học sinh, quyên góp cho viện dưỡng lão…
Những gì ông nội cho tôi được tôi trao đến nhiều người hơn.
Gió thổi qua núi, lại đến ngày giỗ của ông nội.
Tôi bước trên con đường rải sỏi trở về nơi mình từng sống.
Ông nội thích con dốc đầy hoa hướng dương nên tôi để ông ngủ ở đó.
Ông từng nói rằng khi Tiểu Quỳ vắng nhà, nhìn hoa cũng như nhìn thấy tôi.