Hướng Dương Trong Vườn - 2
12.
Không có gì bất ngờ xảy ra, ngày hôm sau tôi đã phát sốt.
Nhức đầu chóng mặt, khuôn mặt đỏ bừng bừng như mông khỉ.
Có lẽ mẹ nuôi đã nhận ra điều gì đó khác thường từ tôi, nhưng bà ấy không quan tâm, giao cho tôi nửa chậu tã như thường lệ.
Buổi sáng tôi đã nôn một lần, hai chân như dẫm lên bông, yếu ớt không chút sức lực.
Nhưng tôi không nói gì, lặng lẽ ôm chậu tã đi ra bờ sông.
Đầu xuân, nước sông còn có cả đá vụn, buốt lạnh thấu xương.
Tôi nghiến răng, thẫn thờ chà xát chiếc tã trong tay.
Thật sự tôi đã quá yếu, chân tay mềm nhũn, trước mắt trở nên đen kịt.
Một chiếc tã trôi xuống sông,theo bản năng tôi vươn tay ra chộp lấy thì rơi ùm một cái xuống sông.
Nước sông lạnh buốt lập tức xộc vào miệng vào mũi tôi.
Tôi hoảng loạn vùng vẫy muốn bơi vào bờ.
Nhưng bộ quần áo bị thấm nước nặng trĩu dính chặt lấy người tôi.
Giống như đôi bàn tay ma quái đang liều mạng kéo tôi xuống đáy sông.
Tôi ho sặc sụa, đá chân loạn xạ, đập mạnh lên mặt nước.
Nhưng dòng nước lạnh giá này giống như những ngày tháng lực bất tòng tâm của tôi, khóa chặt tôi vào bên trong.
Dần dần, tôi cạn kiệt sức lực.
Trước mắt càng lúc càng tối đi.
Có lẽ như vậy cũng tốt.
Không cần ăn nhờ ở đậu, để ý đến cái nhìn của người khác.
Không cần bị bán qua bán lại như một món đồ.
Cũng không cần cảm nhận sự đau lòng thất vọng nào nữa.
Tôi chậm rãi buông thõng tay.
13.
Khi tỉnh lại, tôi đang nằm trong một túp lều.
Đống củi bên cạnh đang cháy rực, những vết nứt nẻ trên cánh tay tôi ngứa râm ran vô cùng khó chịu.
Một ông lão tóc bạc phơ bước vào.
“Cháu tỉnh rồi à.”
Ông ấy xoa xoa đầu tôi:
“Còn nhớ ông không?”
Tôi gật đầu một cách yếu ớt.
Người đàn ông ở trước mặt này cũng có thể coi là ông nội tôi.
Ông nội tôi là một cựu chiến binh, bị thương ở chân khi ra chiến trường nên khó lấy vợ.
Lúc ấy bà nội tôi góa chồng, sống một mình với cha tôi.
Thông qua mai mối mà hai người họ đã đến được với nhau.
Ông nội rất chân thành, coi cha tôi như con đẻ của mình.
Nhưng sau khi bà nội qua đời, cha tôi đã đuổi ông nội ra ngoài.
Cả đời này ông nội rất kiên cường, không muốn nhờ ai giúp đỡ.
Tự mình dựng nên một căn lều nơi lưng chừng núi rồi sống ở đó.
Bởi vì ông nội và cha tôi không hợp nhau nên tôi chỉ gặp được ông nội có vài lần.
Nhưng tôi không ngờ rằng ông ấy đã cứu tôi.
“Cho cháu này, ăn đi.”
Ông nội nhét một củ khoai lang nướng vào tay tôi:
“Trời sáng ông sẽ đưa cháu về.”
Tôi không khỏi sửng sốt.
Do tiếp xúc với nước lạnh trong thời gian dài nên mười ngón tay của tôi sưng tấy như củ cà rốt.
Hơi nóng từ khoai lang nướng lan xuống lòng bàn tay tôi, vừa tê vừa đau.
Tôi vừa nhét khoai lang vào miệng vừa khóc lã chã.
Đúng vậy, trở về.
Tôi không ch/ế/t, vẫn phải quay về.
14.
Không biết là do bị ốm hay do sợ hãi mà đêm đó tôi không thể ngủ yên ổn được, cứ mơ mãi.
Trong cơn mê man, hình như tôi nhìn thấy mẹ ruột của mình.
Bà ấy cũng từng yêu thương tôi.
Tết tóc cho tôi, thêu bao cát cho tôi.
Khi cha say rượu điên cuồng đánh đập tôi, bà ấy sẽ bảo vệ tôi trong vòng tay của mình.
Nhưng cũng chính là bà ấy trơ mắt nhìn tôi bị bán.
Mẹ tôi là như thế này. Mẹ nuôi, tôi còn có thể đòi hỏi gì hơn nữa? Tôi thức dậy khóc và lại ngủ thiếp đi.
Mẹ ruột còn như thế, huống hồ là mẹ nuôi, tôi còn có thể mong ước gì hơn cơ chứ?
Tôi bật tỉnh rồi khóc, sau đó lại ngủ thiếp đi.
Lăn lộn qua lại suốt một đêm.
Tôi chỉ mơ hồ nhớ được, có một đôi bàn tay to lớn nhẹ nhàng vỗ về tôi, còn giúp tôi đắp chăn mấy lần.
Khi tôi thức dậy vào sáng sớm, ông nội đang ngồi cạnh tôi.
Chắc ông đã thức cả đêm không ngủ, hai mắt đỏ ngầu.
“Cô nhóc, cháu có muốn sống cùng ông không?”
Ông nội nhìn chằm chằm vào mắt tôi:
“Ông nội nghèo, nhưng sẽ không bao giờ để cháu bị đói.”
Nước mắt của tôi tuôn rơi như trút nước.
Từ nhỏ đến lớn, chưa có ai hỏi ý tôi muốn như thế nào.
Bọn họ muốn nuôi thì nuôi, muốn bán thì bán.
Giống như tôi không phải là con người, không có cảm xúc.
Chỉ có ông nội là khác.
15.
Khi ông nội đưa tôi về nhà, mẹ nuôi đang trách mắng tôi suốt đêm không về.
Khi tôi nói về chuyện bị rơi xuống sông, khuôn mặt bà ấy chẳng có biểu cảm gì.
Khi ông nội nói muốn nuôi tôi, bà ấy liền không còn vui nữa.
“Chiêu Đệ là do chúng tôi tốn tiền mua về, việc làm lụng trong nhà đều phải nhờ vào con bé, hơn nữa Bảo Nhi vẫn còn nhỏ, cơ thể của tôi cũng chưa khỏe lại như trước…”
Đôi môi mỏng của bà ấy cứ mở ra rồi khép lại.
Tôi hơi sợ nên đến gần ông nội, nắm lấy góc quần áo của ông.
Ông nội lấy ra một chiếc túi vải, mở ra từng lớp một.
Bên trong là một xấp tiền lẻ.
Các mệnh giá đều nhỏ, thô ráp và nhăn nheo.
Nhưng chúng được xếp rất gọn gàng, tổng cộng là 89,3 đồng.
Mẹ nuôi trợn tròn mắt, trong lòng hơi lung lay.
“Mẹ, mẹ hãy để con đi đi.”
Tôi khàn giọng nói:
“Dù sao mẹ cũng sắp bán con đi để yểm đầu giường, cứ coi như bán con cho ông nội đi.”
Mẹ nuôi sững người lại, sau đó ngượng ngùng tránh ánh mắt của tôi.
Bà ấy vẫn chưa biết những gì bà ấy nói với thím nhà hàng xóm bị tôi nghe thấy.
Tuy nhiên, tôi đã không còn oán hận bà ấy nữa rồi.
16.
Tám mươi chín đồng lẻ ba hào, là toàn bộ số tiền mà ông nội tích góp được.
Ông nội không có con cái, không thân thích bạn bè.
Số tiền này dùng để sắm sửa quan tài cho ông, để lại cho người nào chôn cất ông.
Nhưng ông nội đã dùng số tiền này để mua tôi, cắt đứt con đường sau này của chính ông.
Tôi lau nước mắt rồi nói sau này tôi nhất định sẽ hiếu thảo với ông ấy.
Giúp ông nội làm lụng trồng cấy, phụng dưỡng chăm sóc ông cho đến giây phút cuối đời.
Nhưng ông nội nói không được.
Nếu một cô gái muốn tương lai của mình có triển vọng, thì cô ấy nhất định phải đi học, đi ra ngoài để khám phá thế giới.
Chưa có ai từng nói những lời này với tôi.
Ông nội khác với tất cả những người tôi từng gặp.
Ông nói với tôi rằng chiến trường rất nguy hiểm và sinh mạng thì thật mong manh.
Khi còn sống thì phải sống cho thật tốt.
Tôi nghe nửa hiểu nửa không.
Ông nội cười lớn, sau đó khuyến khích tôi đổi tên.
Tôi mang máng nhớ lại rằng ông nội luôn gọi tôi là “cô nhóc”, hình như ông chưa bao giờ gọi tôi bằng tên.
Chiêu Đệ.
Chiêu Đệ.
Tôi cũng ghét cái tên này.
Tôi nâng cằm trầm ngâm suy nghĩ.
Một bó hoa hướng dương chất đống bên cạnh chân, ông nội bẻ gãy chúng rồi ném vào đống lửa.
Những ngọn lửa nhảy múa vui vẻ.
“Cháu đã nghĩ kỹ rồi, cháu sẽ có tên là Tiểu Quỳ, Lý Tiểu Quỳ*.”
(*Quỳ: là cây hoa hướng dương.)
Tôi nhìn chằm chằm vào ngọn lửa, nghiêm túc nói về vấn đề này.
Cha tôi họ Trương còn cha nuôi họ Phùng.
Lý là họ của ông nội tôi.
Họ của tôi sẽ lấy theo họ của ông nội.
Ông nội quay lưng đi, âm thầm lau mắt.
“Cái tên này rất hay, hoa hướng dương đẹp, có thể ăn được hạt dưa, chiết dầu được, thân cây cũng có thể dùng để nhóm lửa, là thứ có ích, thứ có ích…”
Ông nội lẩm bẩm:
“Tiểu Quỳ, hãy là một người có ích nhé.”
Tôi gật đầu cái rụp.
17.
Ông nội cũng không phải là người chỉ sống tạm bợ qua ngày.
Trước kia ông ấy ở một mình nên chỉ dựng một túp lều.
Sau khi tôi đến đây, ông nội bắt đầu có ý định xây nhà.
Thời tiết vừa ấm áp lên, ông đã bận rộn đi đóng gạch vuông*.
(* Gạch vuông là loại gạch dùng để xây nhà đất, chỉ phơi nắng chứ không nung.)
Cát và bùn trộn lẫn với rơm và nước, tạo thành một khối đặc và nặng.
Tôi không cao bằng cái xẻng, dùng hết sức lực cũng không thể khuấy được.
Mọi việc đều do ông nội làm một mình.
Tôi chạy qua chạy lại cũng chỉ có thể giúp ông nội đổ thêm chút nước, trộn một ít cát bùn.
Sau khi đóng hàng trăm mét vuông gạch vuông, hai ông cháu đã không còn hình dáng con người nữa.
Tóc cong như ổ gà, cả người cả mặt đều lấm lem bùn đất giống như hai con mèo mướp.
Chúng tôi chỉ vào nhau cười khành khạch.
Trong trí nhớ của mình, đây là lần đầu tiên tôi cười to đến thế.
Tiếp theo là xây nhà.
Chân tay ông nội không tốt nên chỉ có thể đi vào làng để tìm sự giúp đỡ.
Cha tôi thậm chí còn chẳng thấy mặt mũi đâu, nhưng một số thanh niên trong làng đã đến rồi.
Họ bận rộn leo lên leo xuống.
Tôi xếp một dãy bát sứ ngoài sân để làm nguội nước vừa đun sôi.
Sau khi mọi người làm việc xong, tôi đưa nước cho từng người một, cúi người nói:
“Cảm ơn chú, cảm ơn bác”.
“Chiêu Đệ vẫn ngoan như vậy ha.”
Họ cười trêu chọc tôi.
Tôi đứng nghiêm như bộ đội.
“Tên của cháu không phải là Chiêu Đệ, bây giờ cháu tên là Lý Tiểu Quỳ!”
Bọn họ cười lớn:
“Không hổ là người được ông lão dẫn đi, so với trước đây có tinh thần hơn rất nhiều rồi.”
Tôi ngẩng cao đầu ưỡn ngực.
Đương nhiên rồi, Phùng Chiêu Đệ luôn nhìn mặt người khác mà sống, lúc nào cũng vâng vâng dạ dạ lúc trước đã chết đuối từ lâu rồi.
Người còn sống bây giờ là Lý Tiểu Quỳ tôi, là một người có ích.
18.
Sau hơn nửa tháng bận rộn làm việc, tôi và ông nội đã dọn vào nhà mới.
Mặt tường loang lổ, căn nhà chỉ có bốn bức tường, bên trong nồng nặc mùi đất ẩm.
Nhưng tôi sờ mó hết chỗ này chỗ kia, nhìn khắp ngóc ngách, rồi nhảy cẫng lên vì sung sướng.
Nhưng luôn có một số người không vừa mắt khi nhìn thấy tôi hạnh phúc.
Tiếng trò chuyện của và kẻ nhàn rỗi trong làng lọt vào tai tôi.
Bọn họ nói rằng đầu óc của ông tôi không bình thường.
Không những nuôi không công giúp người khác một đứa con trai mà giờ lại muốn nuôi đứa cháu gái nhà đấy.
Tôi tức phát khóc, do ông nội giữ chặt nên tôi mới không đến chỗ bọn họ liều mạng một phen.
Đúng, cha tôi là một kẻ vô ơn.
Nhưng tôi nhất định sẽ không bỏ rơi ông nội.
Tôi muốn kiếm tiền để ông nội được sống tốt, để mọi người trong làng ghen tị ngưỡng mộ!
Tôi thề, tôi sẽ chiến đấu vì ông nội.
19.
Nhưng cuộc chiến này thật không dễ dàng gì.
Để thực hiện được lời hứa này, sau khi đi học, tôi gần như đắm chìm vào sách vở.
Sách đã cho tôi thấy một thế giới mà tôi chưa từng thấy trước đây.
Tôi như chết đói chết khát, cố gắng hết sức để hấp thụ chất dinh dưỡng bên trong.
Một lần cô giáo tình nguyện đến chơi nhà đã nói rằng tôi là học sinh thông minh và chăm chỉ nhất mà cô từng gặp.
Ông nội vô cùng vui sướng.
Ông kể với tôi rằng, một người nhân viên văn thư trong quân đội cũ của ông thường dạy họ đọc thơ của Chủ tịch Mao.
Nhân viên văn thư ấy ăn nói rất giỏi, lời nói ra nghe như lời trong một vở kịch, cách gieo vần rất hay, ông nội vô cùng ngưỡng mộ.
Điều tiếc nuối nhất trong cuộc đời của ông là không được đến trường.
Không sao đâu, tôi sẽ bù đắp niềm tiếc nuối của ông nội.
Tôi thầm động viên bản thân, lúc lên lớp càng tập trung tinh thần hơn nữa.
Có một hôm, cô giáo dạy một bài thơ cổ.
Hoa hướng dương trong vườn xanh mướt, sương sớm đợi mặt trời chiếu rọi.
Mặt trời mùa xuân gieo khắp đời, vạn vật rực rỡ ánh hào quang.
Tôi tên Lý Tiểu Quỳ, ông nội tên Lý Huy*.
(*Huy: là ánh sáng.)
Tên của chúng tôi đều có trong bài thơ này.
Tôi vui vẻ chạy về nhà kể cho ông nội nghe về phát hiện này.
Đôi mắt ông nội sáng lên, trông ông như trẻ ra mười tuổi.
Ông bảo tôi viết bài thơ này ra rồi dán lên tường nhà.
Chiếc bút chì này là đầu bút bị bạn cùng bàn của tôi vứt đi, tôi buộc một thanh gỗ vào đó, cầm rất khó.
Một vài chữ được viết xiêu vẹo lệch dòng.
Nhưng ông nội rất vui, xem đi xem lại bài thơ trên tường.
Dường như xem bao lâu cũng không đủ.
20.
Tất nhiên, con đường đến trường không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Mùa hè năm đó thường xuyên có mưa, hoa màu được uống no nước nên mọc cao và tươi tốt hơn, nhưng lại gây khó khăn cho cuộc sống trên sườn núi của chúng tôi.
Đường núi bị mưa làm ướt, trở nên trơn trượt không thể đi được.
Tôi bọc cặp sách bằng túi nhựa, ba lớp bên trong ba lớp bên ngoài, nhưng ngày nào cũng phải ngã mấy lần, cả người đầy bùn và nước.
Ông nội thấy vậy thương tôi lắm, luôn đợi tôi ở dưới chân núi, kéo tôi cùng nhau lên núi.
Nhưng chân ông đã bị què, đi lại không thuận tiện.
Rất nhiều lần, hai ông cháu cùng nhau ngã xuống đất.
Giống như ngồi cầu trượt vậy, trượt tới tận chân núi.
Sau này ông nội nghĩ ra một cách.
Ông cõng rất nhiều đá từ sông về, rải chúng trên đường rồi dùng búa đập chúng xuống.
Ông nội đã ngoài sáu mươi, lưng còng, bước đi lại khập khiễng.
Tôi không biết ông nội đã cõng đá bao nhiêu lần.
Nhưng một mình ông đã mở ra cho tôi một con đường bằng đá.
21.
Con đường này, tôi đã đi suốt tám năm.
Hạ đi đông đến, thu qua xuân tới.
Chỉ trong một hơi, tiểu học, trung học, luôn giữ vị trí thứ nhất trong lớp.
Vì bản thân tôi, vì ông nội tôi và vì cuộc chiến này.
Tôi đã cố gắng hết sức.
Hết bằng khen này đến bằng khen khác.
Ông nội dán chúng lên tường.
Dán chúng bên cạnh bài thơ.
Dù đang làm việc hay đang rảnh rỗi, ông đều đứng trước tường nhìn.
Tôi không muốn làm ông thất vọng nên đã học tập chăm chỉ.
Tình trạng này kéo dài cho đến kỳ thi vào cấp 3, tôi đứng thứ nhất toàn trường, đỗ vào trường số 1 của huyện.
Khi nhận được thông báo nhập học, tôi vui mừng đến trào nước mắt.
Lần đầu tiên ông nội nấu hai món, còn rót một cốc rượu trắng.
22.
Vào thời điểm đó, những cô gái trong làng sau khi học hết cấp hai sẽ đều làm việc trong các nhà máy.
Tiền lương hàng tháng đều phải giao cho gia đình.
Cha tôi ghen tị đỏ mắt, muộn màng nhớ ra rằng ông ta cũng có một cô con gái.
Nghe tin cha muốn tôi bỏ học để vào làm việc ở nhà máy, ông nội tôi rất tức giận.
Ông ném cốc rượu, chỉ vào mũi cha tôi, chửi ông ta là kẻ lòng lang dạ sói, muốn hãm hại cả cuộc đời con gái mình.
Cha tôi bị mắng đến đỏ mặt tía tai, giơ tay đẩy ông nội ngã xuống.
“Một con nhóc đi học cấp 3 thì sao chứ, không phải cuối cùng cũng gả đi hay sao? Thằng già khú đế này, bị lừa đá vào đầu rồi!”
Cha tôi chửi rủa tung nước bọt.
Tôi thèm để ý đến ông ta, luống cuống chạy đến đỡ ông nội.
Ông nội đã già rồi, không biết lần bị ngã có sao không.
Tôi lo đến mức bật khóc.
Cha tôi nhìn tôi, rồi nhìn ông nội đang tức giận, khóe mắt đột nhiên giật giật.