Đồng Hoa - 3
13.
Mấy ngày hôm nay, công tử đến quán cũng ít dần, thường mấy ngày chẳng thấy mặt đâu, Thái Âm có hơi lo lắng nên vội đi tìm đại nương để hỏi.
Đại nương gãi đầu nói:
“Ta cũng không biết nó đang bận gì nữa, đừng nói là ở quán, ta còn chẳng thấy nó về nhà mấy lần. Ngày nào nó cũng ra khỏi nhà lúc trời chưa sáng, đêm khuya mới mò về, có lúc mấy ngày liền mà chẳng thấy bóng dáng đâu.”
Ta lên tiếng an ủi:
“Không phải là có quan mới đến nhậm chức hay sao, có lẽ là trong nha môn quá bận thôi, nam nhân có việc có nam nhân, nữ nhân có việc của nữ nhân, chúng ta tự chăm sóc tốt cho bản thân mình là đã đỡ lo cho nhau rồi.”
Dù Thái Âm nghe lọt tai những lời ta nói nhưng vẫn than thở lầm bầm, gói chỗ bánh hạnh nhân đã làm xong lại một túi dặn dò đại nương mang về nhà, nếu như công tử ra ngoài cũng có thể đem theo được, phòng lúc đói lấy ra ăn lót dạ.
Đại nương cười hề hề đồng ý mang đi.
Nhưng ông chủ nhà lại không hề thoải mái như bọn ta, ông nói với ta, nha môn mà bận rộn đến thế sợ rằng đã có việc lớn, chi bằng tạm thời đóng cửa hàng tránh qua đợt này.
Nếu như không có việc gì to tát thì xem như cho bản thân nghỉ ngơi một vài ngày, nếu như thật sự có chuyện gì cũng sẽ không đến mức chịu ảnh hưởng.
Ta đồng ý ngay, ngày hôm nay sau khi bán xong đã dán thông báo trên cửa, nói rõ cửa hàng sẽ nghỉ năm ngày, sau đó cùng Thái Âm dọn dẹp cửa hàng, yên phận chờ đợi trong nhà.
Quả nhiên, vào ngày thứ ba sau khi đóng cửa, trong thành đã trở nên loạn, khắp nơi trên đường phố đều có tiếng người la ó, ồn ào vô cùng, bọn ta nghe theo lời nhắn của công tử, đóng cửa hàng đóng cửa nhà không đi đâu cả.
Thái Âm lo lắng không yên, sợ công tử sẽ gặp chuyện không may trong loạn lạc.
Nhìn dáng vẻ của tỷ ấy, ta lại nhớ đến đêm thiếu gia bị thương nặng cứ sốt cao không hạ, khi ấy ta cũng ngày đêm ăn không ngon ngủ không yên, sốt ruột vô cùng. Nếu như ông trời cho phép, ta tình nguyện dùng mạng mình để đổi lấy mạng cho thiếu gia, có c.h.ế.t cũng không hối hận.
Để xoa dịu nỗi lo của Thái Âm, ta chỉ đành bóc vỏ hạt dưa cùng tỷ ấy, đây vốn là nguyên liệu cần dùng để làm bánh, giờ lại thành phương pháp bất đắc dĩ để tỷ muội bọn ta bình tĩnh lại.
Ai trong chúng ta cũng đều biết, giờ phút này đây, bất luận công tử đang ở đâu làm gì, chúng ta cũng chỉ có thể yên tĩnh chờ đợi, bảo vệ bản thân mình thật tốt mới là giúp ích lớn nhất với hắn. Nếu như lỗ mãng xông vào trong nha môn, không biết sẽ rước lấy bao nhiêu tai họa cho hắn.
Nôn nóng như thế suốt ba ngày, công tử đã trở về, cả người lấm lem đầy vết bẩn, may mà không bị thương chỗ nào.
Thái Âm vội vàng đun nấu cho công tử tắm rửa, người này còn rất tươi tỉnh, nhìn thấy Thái Âm chạy tới chạy lui luống cuống không ngơi còn có tâm tình nói đùa mới ta:
“Ngươi xem nàng ấy đi, trông có giống con ong mất đầu bay loạn hay không?”
Ta trợn mắt nhìn hắn:
“Tỷ ấy có phải con ong hay không ta không biết, ta chỉ biết, nếu như đóa hoa ngươi còn không về, ong mật sẽ đ.â.m đầu c.h.ế.t đi.”
Xong xuôi hết thảy, công tử mới chậm rãi kể cho bọn ta biết, sau khi thánh thượng đăng cơ, hàng trăm thứ hoang tàn chờ đợi ngày hưng thịnh, nhưng những khu giàu có đông đúc ở Giang Nam lại không nộp thuế lên, bọn quan viên đều xỉa xói rằng dân chúng còn khốn khổ trăm bề, còn muốn cầu xin triều đình bỏ ngân lượng ra làm yên lòng dân.
Thế nên lúc này Thánh thượng mới phái Tổng đốc tiến về phương Nam, trừ hại cho dân, lấy tiền về lại cho triều đình.
Nửa năm qua, Tổng đốc thức khuya dậy sớm, quả nhiên đã truy tìm được rất nhiều bằng chứng phạm tội của bọn quan tham, mấy ngày loạn lạc đường xá vừa qua chính là tiếng phản kháng của bọn cường hào giàu có trong châu khi nhận ra chứng cứ phạm tội đã bị phát hiện.
Công tử nói:
“Tổng đốc thực sự là một người sáng suốt uy phong, ngài ra lệnh khóa cửa huyện nha, nhốt người làm chứng trong lao, đích thân ngài cầm kiếm bảo vệ. Ngươi không biết đâu, đầy tớ trong mấy thế gia đại tộc đó có đến mấy ngàn người, cứ vây xung quanh huyện nha muốn lao vào cướp người của chúng ta! Nhờ có Tổng đốc anh dũng, dẫn binh canh cửa gắt gao chống đỡ đến khi Ninh Hóa tướng quân dẫn binh đến cứu viện. Ôi, Tổng đốc thực sự là người anh minh làm hết sức với vai trò của mình, thật không hổ danh xuất thân nhà tướng quân, bọn ta đều phục ngài.”
Thái Âm nghiêng đầu hỏi:
“Vậy lúc đó ngươi ở đâu?”
Công tử ngại ngùng gãi đầu:
“Ta đương nhiên ở huyện nha rồi, Tổng đốc trấn thủ ngoài cửa, ta phải tranh thủ thẩm vấn, phối hợp với nhau để phá vỡ tâm lý phòng bị của nhân chứng, moi ra hết toàn bộ sự thật.”
Thái Âm chợt òa khóc:
“Vậy nếu như trấn thủ không vững, chẳng phải các người đều phải c.h.ế.t sao!”
Khóc xong thì nhào tới đánh vào người hắn.
Công tử ôm đầu chạy vòng quanh:
“Này này này, chẳng phải ta vẫn còn sống đây sao? Tổng đốc đã nói rồi, trận chiến này không thiếu công lao của ta, ngài sẽ bẩm báo đúng như sự thật lên Thánh thượng, sẽ thăng chức cho ta đó!”
Vợ chồng chủ nhà và ta nấp bên cửa nhìn hai người họ chạy khắp trong nhà, bọn ta bàn bạc chọn ra một ngày lành, tổ chức hôn sự cho hai người này.
14.
Ngày hôm nay, công tử ra khỏi nha môn đã đến nói với bọn ta rằng, Tổng đốc đại nhân nghe nói trong nhà hắn mở một cửa hàng điểm tâm nên muốn đến thưởng thức, bảo bọn ta hãy chuẩn bị sẵn sàng.
Thái Âm nhận lời, sau đó cùng đại nương đi đến chợ phiên chọn mua nguyên liệu, còn ta ở lại canh cửa hàng.
Đại nương và Thái Âm càng ngày càng thân, mỗi lần đều hẹn nhau ra ngoài đi dạo mua sắm mãi mới về, lúc về túi lớn túi nhỏ một đống đồ, ta không muốn tham gia vào.
Khó khăn lắm mới chuẩn bị một bàn điểm tâm gồm bánh ngọt và trái cây đầy đủ, nhưng đợi mãi cuối cùng chỉ có một mình công tử trở về.
Hỏi hắn sao tổng đốc không đến. Hắn nói hắn cũng không biết làm sao, khi đại nhân đi đến bên suối, sắp đến nơi rồi lại đột nhiên quay đầu vòng về không đến nữa.
Cũng không biết đã đắc tội ngài ấy cái gì, hắn vội đi hỏi, ngài ấy lại nói không có gì, thật sự khiến hắn không hiểu nổi.
Ông chủ nhà lại an ủi hắn:
“Có lẽ chỉ là đột nhiên có việc gấp nên về thôi, chúng ta đừng có đoán mò, đợi đến lúc con và Thải Âm thành thân, lại đi mời đại nhân tới chung vui là được.”
Chuyện Thái Âm thành thân, bọn ta đã gửi thư xin ý kiến của phu nhân, phu nhân gửi toàn bộ khế ước bán thân của Thái Âm đến đây.
Trong thư còn nói, nếu như gặp phải người có duyên phận thì cứ gả đi, Trần phủ chính là nhà mẹ của Thái Âm, sau này thường xuyên về thăm nhà là được rồi.
Vì thế đợi đến ngày thành thân ấy, ta lại làm phù dâu một lần nữa.
Cửa hàng điểm tâm giăng đèn kết hoa, không khí tưng bừng giăng đầy khắp nơi.
Ta nói với Thái Âm:
“Nghe nói tấu chương xin lập công cho công tử đã được gửi lên trên, chừng mấy ngày nữa sẽ có hồi âm. Tỷ xuất giá đã trở thành nương tử nhà quan rồi, thật sự rất may mắn!”
Thái Âm kéo lấy tay ta:
“Ta chỉ hy vọng có thể được như lão gia với phu nhân là đủ, sống cả đời như thế mới đáng sống. Phu nhân nói muội có duyên với cả nhà chúng ta, quả nhiên là sự thật. Lần này theo muội đến phương Nam lại có thể tìm được nơi nương thân cả đời, phần may mắn này là muội mang đến cho ta mới phải. Chỉ là… haiz, muội còn muốn phiêu bạc thế này đến khi nào đây…”
Nói xong, tỷ ấy còn không quên an ủi ta:
“Muội cũng đừng giận lão gia phu nhân, nếu như là gia đình bình thường thì còn có thể tranh giành, nhưng đó là Hoàng gia tứ hôn, đó còn là tiểu thư phủ Định Quốc Công, vậy thì còn có thể tranh thế nào được.”
Ta mỉm cười nói:
“Tỷ nói với ta những lời này ta nghe không hiểu, thiếu gia thành thân với tiểu thư, vậy mới xứng đôi chứ, một nha hoàn như ta có cái gì để tranh giành? Chưa kể lão gia phu nhân đối đãi với ta tốt như vậy, nếu không có mọi người, cả nhà ta đã c.h.ế.t đói từ lâu rồi, ta còn gì bất mãn nữa đâu?”
Ngày đó, người trong nha môn đến chúc mừng, nhưng Tổng đốc chỉ gửi một một bao tiền mừng thật dày, còn người thì không thấy đến.
Thái Âm đã gả đi, cửa hàng điểm tâm đương nhiên sẽ là của hồi môn cho tỷ ấy, vì thế ta ở đó thêm nửa tháng đã chào từ biệt với công tử:
“Chuyến đi này của ta vốn đến để làm nguyệt lão, giờ đã hoàn thành sứ mệnh, đã đến lúc ta phải đi rồi!”
Thái Âm lưu luyến kéo tay ta, thủ thỉ: “Nếu như trên đường đi gặp được nhân duyên thích hợp, muội hãy cân nhắc nhé! Đừng làm chậm trễ hạnh phúc cả đời mình!”
Ta gật đầu đồng ý.
15.
Ta vẫn đi tiếp về phương Nam, trong lòng ta cứ cảm giác có một giọng nói đang thúc giục ta, ở phương Nam vẫn còn có sứ mệnh chưa hoàn thành, chờ ta đến thực hiện.
Ta cố ý đi đến phủ Quảng Nam, ở trước cổng Trần phủ hiện tại, à không phải, bây giờ không còn là Trần phủ nữa mà đã đổi thành Hạ phủ, nghe nói đây là người làm ăn, thảo nào sư tử đá trước cổng cũng bị thay đổi thành hai con tỳ hưu to lớn.
Thời gian trôi qua, đường phố vẫn là đường phố năm ấy, phiến đá vẫn nằm đó. Mọi thứ dường như đã thay đổi nhưng lại giống như không gì thay đổi, bất kể thế nào, ta vẫn là ta khi đó, một Đồng Hoa trong trắng, sạch sẽ.
Đúng vậy, vì để dễ dàng đi lại ở bên ngoài, ta đã tự đổi tên mình thành Đồng Hoa.
Cha mẹ vốn đặt tên cho ta là Mãn Hoa, sau khi vào phủ, tiểu thư đã đổi thành Đồng Nhi, nhiều năm sau đó mọi người đã quen gọi ta là Đồng Nhi.
Nhưng ở bên ngoài, nếu ta tự giới thiệu mình là Đồng Nhi, nghe có hơi ngượng ngùng, thế là ta ghép mỗi chữ trong hai cái tên lại thành một cái tên mới là Đồng Hoa.
Lần này ta ở lại phủ Quảng Nam mười ngày, đi hết những con đường mà trước đây ta chưa từng đi.
Hóa ra ở đây có một cây cầu đá, soi bóng sóng xanh, trên bờ là từng hàng dương liễu thẳng tắp, ta chợt nhớ đến câu thơ tiểu thư đã dạy: Dương liễu xanh nước sông lặng, chợt nghe tiếng chàng hát trên sông.
Cũng không biết thiếu gia và tiểu thư phủ Quốc công đã thành thân hay chưa, một người tốt như hắn xứng đáng có một cô nương tốt bầu bạn bên cạnh, sống một đời bình an suôn sẻ.
Đi hết phủ Quảng Nam, ta lại lên đường đi đến phủ Bình An.
Đó là quê hương của ta, ta từ nơi đó đến, cũng nên trở về đó ngắm nhìn lại.
Cứ như thế ta chậm rãi đi về nơi đã sinh ra ta, gõ cửa nhà Nha bà.
Nha bà thấy ta thì tỏ ra ngạc nhiên, nhìn một hồi lâu mới nhận ra ta, vội vàng mời ta vào nhà:
“Nghe nói cha của ngươi đã chuộc ngươi về, cả nhà đã dọn vào trong thành rồi mà, sao ngươi lại một thân một mình về đây? Chẳng lẽ lại gặp khó khăn rồi sao, lại đến đây bán mình lần nữa à?”
Nhiều năm như thế, Nha bà cũng đã già, trước đây ta phải ngẩng đầu lên nhìn bà ấy, nhưng bây giờ phải khom người xuống chút mới có thể nắm lấy tay bà:
“Cháu không gặp khó khăn gì cả, lần này đến đây chỉ muốn cảm ơn bà, năm đó bà đã tìm cho cháu một nơi gửi gắm tốt như vậy, bà đã cứu sống cả nhà cháu, cháu đến tạ ơn cũng là điều nên làm.”
Nha bà xua tay:
“Không cần màu mè như thế, ta chỉ là người trung gian, đó là phúc trong mạng của ngươi, đi đến đâu đều sẽ có phúc tinh phù hộ.”
Ta hỏi Nha bà, bây giờ còn có cô nương nào bán mình không?
Nha bà kinh ngạc hỏi, chẳng lẽ ta về đây để mua cô nương sao?
Ta cười nói:
“Cháu muốn về quê mở một tiệm thêu, đến chỗ bà xem xem có người nào thích hợp hay không sẽ chuộc thân cho họ, để họ đến tiệm giúp việc.”
Nha bà luôn miệng niệm phật, nói với ta:
“Hiện giờ mùa màng tươi tốt, cuộc sống mọi người dần khá hơn, trong quê đã không còn thịnh hành việc bán con nữa rồi, hiện giờ chỉ có ba cô nương còn ở đây.”
Một cô nương là do cha nàng vì thua bạc nên bán vào, một cô nương là vì cha mẹ qua đời nên thúc bá đã bán vào, người còn lại giống như ta năm đó, vì muốn kiếm tiền bốc thuốc cho mẹ nên đã bán mình đi.
Đều là những đứa trẻ đáng thương, bà còn nhờ ta chăm sóc tốt cho họ.
Ta đồng ý với Nha bà, sau đó lấy ra năm mươi lượng bạc đưa cho bà ấy rồi dắt ba cô nương kia đi.
Ánh mắt của họ nhìn ta rất ngây ngô hệt như ta năm đó, đôi mắt không có hy vọng không có ánh sáng, cảm thấy đi đâu cũng sẽ bước vào ngõ cụt.
Ta thật sự mở một cửa tiệm thêu trong trấn, tên tiệm Đồng Hoa Ký do ta tự đặt, từ đó ta yên ổn định cư lại nơi đây.
16.
Ta dùng những kỹ năng thêu thùa đã học được từ chỗ Trương ma ma để gầy dựng nên Đồng Hoa Ký.
Ban đầu chỉ có thể thêu một số khăn tay và quạt để bán, khi các cô nương dần học được tay nghề, bọn ta đã có thể bán được các mặt hàng thêu khổ lớn như bình phong hay chăn bông.
Người trong tiệm thêu ngày càng nhiều hơn, đây đều là những cô nương không nhà để về, chỉ cần được bán đến chỗ Nha bà, ta sẽ đi chuộc về, sau đó dạy các nàng thêu thùa.
Có một số người không có tài may thêu, ta sẽ dạy cho các nàng làm điểm tâm bánh ngọt, hoặc là điều chế phấn son, còn dạy cả chút chữ nghĩa mà ta học được từ chỗ tiểu thư cho các nàng biết đọc.
Đợi đến khi họ học được chút kỹ năng, có người muốn về nhà, ta sẽ trả lại khế ước bán thân cho các nàng, liệu sức giúp thêm chút tiền bạc đưa họ về nhà.
Thường xuyên qua lại như thế, người cùng quê đều nói chỗ ta là học đường cho nữ tử, dần dần còn có thôn dân đưa con gái đến chỗ ta để học được tay nghề.
Ta thấy rất vui, chỉ cần nữ tử trong tay thạo một nghề thì không sẽ không cần phải đi vào con đường bán thân, dẫu sao thì việc bán mình đi cũng rất nguy hiểm, đâu phải ai cũng có thể giống như ta năm đó, được bán vào một gia đình tốt đâu.
Người dân đều nói ta là nữ bồ tát, nhưng ta không dám nhận. Tuần phủ mới tới có công giúp nhân dân an cư lạc nghiệp, ta cũng không dám tranh công với quan phủ.
Chỉ có Nha bà không vui, bỏi vì không có ai bán con đi, bà không kiếm được tiền.
Thế là bà đổi nghề làm mai mối, việc đầu tiên là muốn gả ta ra ngoài, dẫu sao thì năm nay ta đã sắp mười tám, ở dưới quê đã được xem là nữ tử lỡ thì, các tỷ muội bằng tuổi với ta gần như đã bế con trong tay.
Dưới sự động viên của Nha bà ta cũng đi xem mắt mấy người, nhưng chỉ cảm thấy không có duyên phận. Dù sao cũng đã từng gặp được thiếu niên như ngọc kia, giờ lại nhìn người khác, ta luôn thấy thiếu một chút gì đó.
Có lẽ, đó gọi là cái liếc mắt thâm tình tựa vạn năm.
Nhưng cũng không có gì phải rối rắm cả, dù sao mỗi ngày ta đều rất bận rộn, trong tiệm vẫn còn rất nhiều việc nhọc lòng đợi ta làm.
Phải rồi, ta đã mở chi nhánh thứ ba ở trong thành, một cửa tiệm bán sản phẩm thêu thùa, một cửa tiệm bán điểm tâm bánh ngọt, một cửa tiệm bán son phấn, đều được đặt tên là Đồng Hoa Ký.
Nhân viên trong các cửa hàng đều là nữ tử, các nàng đều gọi ta là Đồng Hoa tỷ, cảm giác được mọi người trông cậy đã lấp đầy trái tim ta, mỗi ngày ta đều sống rất trọn vẹn.
Đón tết xong sẽ đến ngày lễ Quan Âm, mọi người ở thôn quê đều đề cử ta sắm vai Quan Âm, ta thực sự không từ chối được, chỉ đành hóa trang để làm hài lòng công chúng.
Cửa hàng được nghỉ một ngày, các nữ tử trong tiệm cũng đi theo ta đến cúng thần ở chùa Quan Âm.
Chỉ là trong lúc mơ màng ta chợt nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc trong đám người.
Ta chỉ nghĩ mình hoa mắt, đông người thế kia cưỡi ngựa xem hoa, hắn đang yên đang lành làm quan lớn ở kinh thành kia mà, chắc chắn ta đã nhìn nhầm rồi.
Theo thông lệ cũ, Quan Âm sẽ ở lại một đêm ở chùa Quan Âm, ta chỉ đành nghỉ lại ở đây.
Buổi chiều, đợi khi mọi người đã giải tán, ta ăn cơm chay cùng các sư thái trong chùa, cơm nước xong xuôi lại ra sau núi tản bộ.
Du Lâm sư thái đi cùng ta, trên con đường nhỏ ở giữa sườn núi, gió mát phả vào mặt, mát mẻ thoải mái lạ kỳ.
Sư thái nói ta hữu duyên với Quan Âm, Bồ Tát nhất định sẽ phù hộ ta luôn bình an khỏe mạnh, mọi việc như ý.
Ta nói ta đã thấy đủ với hiện tại, trước đây nhà nghèo không ăn nổi một bữa cơm no, nhìn thấy mẹ bệnh mà chẳng có một đồng bạc để chạy chữa.
Bây giờ không chỉ có cửa hàng của riêng mình, được làm những việc mình thích, mà còn có tiền dư ra để giúp đỡ người cùng quê, đây chẳng phải là kết quả mà Bồ Tát đã ban phúc hay sao?
Ánh ráng chiều gợn sóng ở sau lưng, dòng suối trong giữa lưng chừng núi chảy róc rách không ngừng, chim hót líu lo, hoa tươi nở rộ, đây đúng là chốn thế ngoại đào nguyên.
Ta thầm cầu nguyện trong lòng, mong cầu Bồ Tát phù hộ cho cha mẹ, lão gia phu nhân, Mãn Trụ Nguyệt Nhi được bình an suôn sẻ. Phải rồi, còn mong người phù hộ cho thiếu gia và thiếu phu nhân được bình an vui vẻ, hạnh phúc không phiền lo.
Sáng sớm hôm sau, ta từ biệt sư thái để xuống núi, vừa ra khỏi sơn môn đã thấy một người đứng chắp tay ở đó, ánh mặt trời từ đằng sau chiếu tới người hắn, tỏa ra hào quang sáng lạn.
Ta tập trung nhìn sang, không phải thiếu gia thì còn là ai?
—
[Ngoại truyện: Thiếu gia]
Ta cảm thấy cuộc đời của ta được bắt đầu vào năm ta mười hai tuổi.
Năm đó cha bị cấp trên liên lụy, Trần phủ bị xét nhà, cả nhà ta đều bị giam vào chốn lao ngục, ta và cha bị nhốt cùng một chỗ.
Lúc ban đầu ta rất hoảng loạn, thiếu niên đã hơn mười tuổi lần đầu tiên trải qua biến cố lớn như thế, dù thế nào cũng sẽ sợ hãi.
Ta tưởng rằng cha là quan văn sẽ không chịu được nỗi khổ chốn lao tù, nhưng một lão gia xưa tay sống an nhàn sung sướng lại hoàn toàn bình tĩnh như trước. Không chỉ như thế, cha còn dạy ta:
“Quân tử phải giữ uy quyền và giữ kiên nhẫn, không được sợ hãi trước khó khăn, hãy coi đao kiếm như vô hình.”
Điều kiện cuộc sống khi đó không cần phải nói, ở trong phủ đã quen sống những ngày tháng đầy đủ, giờ lại giống như từ trên mây ngã xuống bùn lầy.
Trước kia ngủ trên đệm chăn gối mềm, giờ phải ngủ trên rơm rạ; trước kia khi ăn có cả bàn đồ ăn ngon, giờ không thấy được một miếng đồ mặn nào, hơn nữa đa phần chỉ có cơm thô bằng gạo cũ lâu năm.
Dù rằng như thế, cha vẫn bảo ta tu tâm, chậm rãi chờ đợi kết quả sau này.
Cuộc sống như thế trôi qua một tháng, bỗng có một đêm ta thấp thoáng nghe thấy tiếng khóc truyền đến từ nhà giam nữ tử bên cạnh, giống như tiếng khóc của Nguyệt Nhi.
Ta thấy nóng lòng vô cùng, cứ đi qua đi lại trong phòng giam, trong đầu khi đó chỉ nghĩ đến việc chạy trốn khỏi nhà giam, mau chóng đưa cha mẹ và muội muội rời khỏi nơi này.
Cha vẫn bình tĩnh, như thể đã nhìn thấu được suy nghĩ của ta, ông nói nhà lao được canh phòng nghiêm ngặt, chỉ dựa vào chút võ nghệ của ta muốn vượt ngục không hề dễ dàng, đến lúc đó còn hại cả nhà. Điều đó không thể được, chi bằng hãy bình tĩnh lại, giữ gìn thể lực chờ vào tương lai.
Chúng ta đã sống trong nỗi lo này từ xuân đến thu, trong thời gian đó dù đã thẩm vấn mấy lần, nhưng quan đường xưa tay có giao hảo với cha, mà cha vẫn luôn không nhận tội, ông cũng không bị bãi chức, bởi vậy nên vẫn chưa thể dùng hình.
Chúng ta chỉ bị nhốt trong nhà lao, không được tự do hành động mà thôi.
Có một ngày, lính canh ngục đột nhiên đến nói muốn đưa chúng ta về kinh, do thánh thượng đích thân thẩm vấn.
Ta và cha đưa mắt nhìn nhau, ai cũng lặng lẽ không nói lời nào, trải qua nửa năm giam giữ, ta đã điềm tĩnh hơn nhiều, chỉ cần có thể rời khỏi ngục giam, là phúc thì không phải họa, cứ đi xem sao!
Đợi đến lúc ra khỏi nhà giam, lính canh lại mang xiềng xích đeo vào người chúng ta đẩy đến trước ngựa, lúc này ta mới nhìn thấy mẹ.
Mẹ xanh xao gầy gò đi nhiều, nhưng may mà thần thái vẫn vững vàng như trước, ta cũng yên tâm.
Nhưng nhìn trái nhìn phải lại không thấy Nguyệt Nhi đâu, đi bên cạnh mẹ lại là nha đầu Đồng Nhi bên cạnh Nguyệt Nhi.
Ta không biết tình hình thế nào, ánh mắt nghi hoặc bắt gặp ánh mắt của mẹ, nhưng chỉ thấy mẹ khẽ lắc đầu.
Ta biết ý của mẹ, mẹ đang bảo ta đừng lên tiếng.
Trên đường đi đến Vĩnh Lợi Châu, có một đêm, chợt có ám vệ trèo tường nhảy vào, cha nói với ta, ông ngoại đã sai người đến cứu chúng ta, bảo ta thả lỏng gân cốt chuẩn bị sẵn sàng.
Trong lòng ta khi đó vô cùng thắc mắc: Vì sao đến bây giờ ông ngoại mới đến cứu người?
Song, thắc mắc này của ta đã được giải đáp ngay sau đó.
Đêm đó, ám vệ đã tranh đấu kịch liệt liều c.h.ế.t bảo vệ chúng ta, cả nhà ta đã thuận lợi được quân cứu viện đưa lên thuyền, tuy rằng giữa chừng đã kinh động đến lính canh, nhưng sau cùng không có nguy hiểm gì, mọi người thuận lợi trốn thoát.
Đến trên thuyền, cha mới nói với ta, ông vẫn luôn tin chắc rằng ông ngoại sẽ đến cứu viện, chỉ đang đợi thời cơ mà thôi, cho nên trong lòng ông vẫn cất giữ hy vọng, sở dĩ không nói với ta là vì muốn luyện tâm tính cho ta, cũng là vì lo lắng để lộ tin tức khiến quan binh cảnh giác.
Sau này, ta đã biết được chuyện Đồng Nhi xả thân cứu Nguyệt Nhi.
Ta rất ngạc nhiên, đây là cô nương gan dạ đến thế nào chứ, còn dám một mình đi vào trong lao, còn thuận lợi cứu Nguyệt Nhi đi.
–
Trước kia chỉ thấy hai tiểu nha đầu chơi đùa cả ngày đêm, nhưng không ngờ nàng lại có tấm lòng như vậy, đúng là không thể đánh giá người khác tùy tiện mà.
Nếu đổi lại là ta, liệu ta có sẵn lòng vì một người không có quan hệ huyết thống, vứt bỏ tính mạng của mình hay không?
E là không, nhưng Đồng Nhi lại làm như vậy, ta ngạc nhiên nhưng cũng kính nể nàng.
Mẹ nói, sau này Đồng Nhi chính là người nhà của chúng ta.
Đó là đương nhiên, trong hoạn nạn gặp được chân tình, nàng đương nhiên là người một nhà.
Đến Bắc Mộ Châu, ta trải qua tháng ngày chung sống trên thuyền với Đồng Nhi nên cũng hiểu biết về tính cách của nàng, đây là một cô nương nhìn bề ngoài có hơi khờ khạo, nhưng nội tâm dũng cảm kiên định, hoàn toàn khác xa những với những thiên kim tiểu thư mà ta từng gặp trước kia.
Chúng ta ở lại trong ngôi nhà mà ông ngoại đã sắp xếp, ta thường nhìn thấy Đồng Nhi ngẩn người nhìn đàn nhạn bay trên bầu trời, trong lòng thầm nghĩ, tiểu cô nương đang nhớ người nhà sao?
Thế là ta đi đến sau lưng nàng, đang muốn nói chuyện với nàng thì lại vô tình dọa nàng giật mình, nhìn thấy khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ ửng, trong lòng thấy buồn cười nhưng cũng có chút căng thẳng chẳng biết nguyên do, thế nên vừa nói có hai câu đã quay người chạy vội đi.
Ngũ vương gia và Bát vương gia muốn tranh ngai vàng, đây là chuyện không thể nghi ngờ. Ta, cha và ông ngoại đã bàn bạc, chi bằng nhân lúc loạn lạc, tòng quân góp sức đánh hạ giang sơn cho Bát vương gia, không chỉ có thể xóa tội trước đó, nói không chừng còn được phần thưởng khác.
Mẹ vốn không đồng ý, lo lắng ta sẽ gặp chuyện bất trắc ở quân doanh, nhưng lòng ta đã quyết, ta đã trưởng thành, sẽ không để người nhà mình bị tùy ý hãm hại, tùy ý mặc người ta luận tội sống c.h.ế.t giống như trước kia nữa. Huống hồ ngay cả tiểu nha đầu Đồng Nhi còn dũng cảm như thế, sao ta có thể thua cả nàng đây?
Mẹ thấy ta kiên quyết như vậy, cuối cùng cũng thuận theo ý ta.
Ông ngoại là tham tướng đóng giữ Bắc Cương đã chinh chiến cả đời, ông nói mẹ đã chiều hư ta, những tài nghệ phòng thân mà ta học được thuở nhỏ cũng chỉ là mấy động tác cho đẹp mắt mà thôi, khi lên trận là phải liều mạng, nếu không sẽ không được trọng dụng.
Được rồi, vậy thì ta sẽ luyện lại lần nữa.
Nhưng làm gì dễ dàng đến thế, áo giáp rất nặng, chiến kích càng nặng hơn, chúng mài rách lòng bàn tay, cắt ngang qua đùi, đau đớn đến mức cắn chặt răng.
Lúc này, trong nhà đã gửi đến áo lót và bảo vệ đầu gối, ta đưa tay vuốt trên mặt vải, lớp lông nhung thật dày, đường may cũng rất đều đặn.
Trong lòng thầm nghĩ, chẳng lẽ đây là Đồng Nhi may cho ta? Chỉ nghĩ tới mà trong tay ta đã có thêm sức mạnh.
Ta phải luyện tập thật tốt, không chỉ phải sống sót trở về nói tiếng cảm ơn với nàng, mà còn muốn trở thành một đại tướng quân uy phong, tiểu cô nương chắc cũng có giấc mộng anh hùng nhỉ?
Đánh trận được hai năm, bắt đầu từ chiến sĩ xông pha chiến đấu dần dần có được phong quang, bên cạnh cũng tập hợp được một tiểu đội cho mình.
Người có năng lực nhất chính là Mãn Trụ, tiểu tử này không hổ là đệ đệ của Đồng Nhi, tuy rằng chưa từng đi học cũng không biết bao nhiêu chữ, nhưng đầu óc rất linh hoạt, thể lực mạnh mẽ.
Chúng ta cùng nhau đánh thắng mấy trận liền, tướng quân càng ngày càng coi trọng ta, ta cũng lên làm phó tướng của ông ngoại.
Mãn Trụ đương nhiên chính là phó tướng của ta, hắn xông vào chiến đấu như thể mặc kệ cái chết, lần nào cũng suýt chút không còn mạng trở về.
Ta hỏi hắn vì sao lại liều mạng như vậy, hắn chỉ cười nhưng không nói, còn lấy ra một tấm bùa hộ mệnh, nói là tiểu thư cho hắn, chắc chắn sẽ phù hộ hắn bình yên trở về, bảo ta không cần lo lắng.