Đồng Hoa - 1
1.
Vào mùa đông năm nay, rốt cuộc ta vẫn phải bán mình đi.
Sao có thể không bán đây? Ông trời không rộng lượng với chúng ta, đầu năm hạn hán kéo dài tận năm tháng, cuối năm lại thêm bốn tháng ngập úng, lương thực trồng trên ruộng nương không thu hoạch được lấy một xu, cả nhà đói không có gì ăn.
Mẹ lại bệnh rồi, cần phải uống thuốc; đệ đệ vẫn còn nhỏ, trên mặt xám xịt, cái quần rách tả ta đến độ chẳng che nổi phần mông.
Cha đã làm việc rất nỗ lực, mỗi ngày trời còn chưa sáng đã đi ra bến tàu tìm việc, cả người ông gầy đi chỉ thấy xương sườn, gió thổi mạnh lảo đảo như sắp đổ, nhưng vẫn không duy trì nổi sinh hoạt của cả nhà.
Thế là khi ta nghe nói Nha bà trên phố đến thu gom tiểu cô nương, ta vỗ sạch tay đặt đống rau đã nát xuống đất đứng dậy đi ra khỏi cửa nhà.
Đợi đến khi cha hùng hổ chạy về nhà, ta đã nhận mười lượng bạc của Nha bà, bốc thuốc cho mẹ, may quần áo mới cho đệ đệ, còn cắt một đầu thịt heo để lại trong nhà.
Cha ôm đầu ngồi sụp dưới đất, phiền muộn không nói nên lời.
Ta nói với cha:
“Nếu còn không tìm được lối thoát thì cả nhà mình sẽ c.h.ế.t đói mất. Huống hồ Nha bà cũng đã nhận lời tìm cho con một chỗ tốt, chắc chắn không phải ca vũ kỹ viện gì đâu, có lẽ con sẽ đi đến những nhà giàu có làm người hầu, đến lúc đó không những có thể được no bụng mà còn có tiền hằng tháng gửi về nhà, chỉ cần người vẫn còn sống thì vẫn còn hy vọng!”
Mẹ vốn bệnh đến mê man không dậy nổi, chỉ vừa uống một thang thuốc đã có thể gượng mình ngồi dậy.
Nghe nói ta đã bán thân lấy tiền, suýt chút bà lại ngất đi, bà nằm đó đ.ấ.m tay xuống ván giường tự mắng mình, hận bản thân liên lụy đến con gái, bà còn nói bà không chữa bệnh nữa, có c.h.ế.t cũng không muốn bán con trai con gái mình đi.
Mẹ ơi, trên đời này không có đứa con nào muốn trơ mắt nhìn cha mẹ mình c.h.ế.t cả!
Ta khuyên nhủ an ủi hết lời, cả nhà mới cơm chan nước mắt ngồi lại ăn bữa cơm tối này.
Dù đã hơn nửa năm không được ăn mặn, nhưng bữa cơm này mọi người lại chẳng thấy ngon lành, ai nấy đều sầu khổ.
Ta cố khuyên cha đừng buồn lo:
“Cũng không phải sinh ly tử biệt, chỉ là tạm thời xa nhau, sau này chắc chắn vẫn còn có thể sống cùng nhau mà.”
Đệ đệ do dự hỏi:
“Sau này thật sự còn có thể gặp lại tỷ tỷ sao?”
Ta vỗ vào m.ô.n.g cậu nhóc:
“Đương nhiên rồi, tỷ còn muốn nhìn thấy đệ cưỡi con ngựa cao to, cưới vợ, sinh con nữa là!”
2.
Ngày hôm sau trời vừa tờ mờ sáng, ta đã chào từ biệt cha mẹ đi đến nhà Nha bà.
Nha bà cũng là người cùng quê, mọi người đều hiểu rõ hoàn cảnh, bà vừa cho ta một con đường sống, còn cho phép ta về nhà chào tạm biệt người thân, ta có gì để thù oán người ta chứ?
Trước lúc ly biệt, ta đưa toàn bộ số bạc bán thân lại cho cha, dặn dò cha nhất định phải chữa hết bệnh cho mẹ, trông nom đệ đệ kỹ lưỡng, quản lý tốt mọi việc trong nhà chờ ta trở về.
Cha rưng rưng đồng ý.
Cả một đời ông làm nông dân chất phác, thương yêu vợ con, nếu không phải vì thiên tai sao có thể đành đoạn bán con gái mình đi để sống sót.
Chuyện này thật sự đã đến đường cùng, sống sót trước rồi hãy tính sau!
Ta cứ thế đi đến nhà của Nha bà, trong nhà đã có hơn mười cô nương đứng đó, họ cũng giống như ta, cũng là những đứa con ngoan của những nhà nghèo khổ, vì kế sinh nhai bất đắc dĩ phải bán thân làm nô làm tỳ.
Cuộc sống này chính là như vậy, sinh ra làm người, trong chín phần cay đắng chưa chắc sẽ có một phần ngọt ngào.
Nha bà bảo mọi người tắm rửa thay quần áo sạch sẽ rồi phân cao thấp đứng thành một hàng.
Lúc này bà mới nói cho chúng ta biết, hôm nay nhà Trần lão gia ở phủ Quảng Nam sẽ đến mua nha hoàn, bảo chúng ta yên phận chờ đợi, đó là một gia đình giàu có, là một nơi tốt để gửi gắm.
Mọi người đều không dám hé môi nửa lời, chỗ tốt chỗ tệ đều là số phận, đã đi đến bước đường này do ông trời quyết định thôi.
Buổi trưa, bên phía Trần phủ có hai lão ma ma đã đến. Ở trong sân vườn nhà Nha bà, hơn mười cô nương đứng ngay ngắn thành hàng, để cho hai ma ma lần lượt quan sát.
Hoàn cảnh của mọi người gần như nhau, không có cơm ăn nên ai nấy đều xanh xao vàng vọt, vả lại từ nhỏ cũng chưa từng ra cửa gặp người lạ, trong lòng sợ hãi nên đều cúi thấp đầu không dám thở mạnh.
Ma ma lần lượt kiểm tra từng người một, nhìn tay chân, sống lưng và cả răng lợi, hỏi thăm kỹ càng tuổi tác của mỗi người, Nha bà trả lời đầy đủ thông tin chi tiết về từng cô nương.
Lúc đến lượt ta, Nha bà nói, tiểu cô nương tên là Mãn Hoa, năm nay vừa tám tuổi, là một đứa nhỏ hiểu chuyện, trong nhà không khó khăn mấy nhưng năm nay thiên tai ập xuống, bất đắc dĩ mới phải bán con, sáng hôm nay mới đến đây.
Hai ma ma trao đổi ánh mắt với nhau một lúc rồi mới nói:
“Chọn đứa này đi, lát nữa sẽ đi cùng bọn ta.”
Nha bà mừng rỡ vô cùng, những nhà giàu có thường rất kén chọn, thường chọn tới chọn lui đến mấy lượt, lần này thuận lợi dắt người đi thật đúng là không dễ dàng gì!
Thế là ta còn chưa kịp nói lời từ biệt lần cuối với cha mẹ thì đã được bế lên xe ngựa của Trần phủ rời đi.
Lúc chia tay, Nha bà căn dặn ta phải hầu hạ nhà người ta thật tốt, còn bảo ta đừng lo lắng chuyện trong nhà, khi nào bà có thời gian sẽ đến báo tin cho nhà ta.
3.
Tròng trành trên xe suốt hai ngày chúng ta mới đến Trần phủ.
Nhà ta ở phủ Bình An, nhà họ Trần ở phủ Quảng Nam, tuy là thị trấn lân cận, nhưng đối với cha mẹ ta từ nay về sau lại là trời nam đất bắc.
Đi vào trong phủ, đầu tiên ta được ma ma sắp xếp ở trong phòng của người hầu, tắm rửa sạch sẽ cho ta, gần như là hai ngày mới chà rửa sạch sẽ hết bùn đất cũ trên người.
Sau đó họ lại cắt tóc và móng tay, thắt hai b.í.m tóc nho nhỏ, thay cho ta một bộ quần áo thơm phức rồi mới dẫn ta đi gặp bà quản gia.
Bà quản gia họ Hứa, ma ma bảo ta gọi bà ấy là Hứa ma ma, dặn dò ta gặp người khác thì đừng nói lung tung, người lớn tự có sắp xếp riêng.
Ta nào dám hó hé chứ, một con nhóc nhà quê như ta nhìn thấy tòa phủ rộng lớn thế kia đã hoa mắt choáng váng rồi.
Cũng may mà Hứa ma ma rất hài lòng về ta, bà ấy còn nói ta trông khá vừa vặn.
Sau này ta mới biết, ý bà ấy là nói ta thấp vừa đủ, bởi vì tiểu thư cũng không cao.
Lão gia Trần phủ là tri phủ phủ Quảng Nam mới nhậm chức, Trần đại nhân là cử nhân, phu nhân ông cưới về là tiểu thư nhà tham tướng Bắc Cương, sinh ra một nam một nữ.
Năm nay lão gia đưa gia quyến đến nhậm chức ở phủ Quảng Nam, tùy tùng dẫn theo không nhiều, cho nên mới gấp gáp mua thêm nha đầu.
Hứa ma ma thưa chuyện với chủ mẫu, phu nhân chỉ đích danh gọi tên ta, ta ngoan ngoãn đáp lời, sau đó cúi đầu đi vào phòng, khom lưng đứng đó không dám lên tiếng.
Chỉ nghe thấy một giọng nữ êm tai vang đến, bà nói:
“Nếu như đã đến nhà ta, chứng tỏ ngươi có duyên với nhà ta, ngươi cứ yên tâm làm việc. Ở trong nhà ta, thông minh lanh lợi hay không chỉ là thứ yếu, lòng trung thành mới là điều quan trọng nhất. Làm tốt công việc của ngươi, đương nhiên sẽ có chỗ tốt cho ngươi.”
Ta cúi đầu đáp lời, sau đó đi theo Hứa ma ma ra khỏi phòng.
Phía sau lưng lại vang đến tiếng nói của phu nhân:
“Thật đáng thương, đứa bé còn nhỏ thế kia chắc chỉ bằng tuổi với Nguyệt Nhi mà lại hiểu chuyện hơn Nguyệt Nhi rất nhiều.”
Tiếp đó là giọng nói của lão ma ma:
“Con cái nhà nghèo khó từ nhỏ đã phải gánh vác gia đình, tiểu thư nhà chúng ta được nuông chiều từ nhỏ sao có thể so sánh được chứ. Phu nhân có tấm lòng Bồ Tát, con bé đã đến trong phủ chúng ta, đó chính là phúc phận của con bé. Nếu như đi vào nhà khác còn không biết sẽ gặp hoàn cảnh thế nào.”
Hứa ma ma dẫn ta đi vào phòng của tiểu thư, sau đó nói với nhũ mẫu của tiểu thư:
“Trương ma ma, đây chính là nha đầu mới mua về, bằng tuổi với tiểu thư. Phu nhân có ý bảo con bé đến làm bạn với tiểu thư. Con bé xuất thân từ gia đình nhà nông, vẫn chưa kịp dạy dỗ, về sau nhờ ma ma tốn công chỉ dạy.”
Trương ma ma gật đầu, đánh giá người một hồi lâu, sau lại cười nói:
“Vóc người tương tự với tiểu thư, chỉ có hơi gầy hơi đen một chút. Người do ma ma chọn quả nhiên rất tốt, làm gì cần ta hao tâm tổn trí đâu, cảm ơn Hứa ma ma!”
Nói xong, Trương ma ma lại vẫy tay gọi một nha hoàn tới:
“Thái Âm, dẫn muội muội mới đến này xuống đi, về sau nàng sẽ ở chung một phòng với ngươi, công việc trong tay ngươi cũng dẫn nàng làm theo. Đợi tiểu thư về nhà sẽ dẫn đến thỉnh an tiểu thư.”
Thái Âm mỉm cười, kéo tay ta đi xuống.
Khi đi đến phòng của Thái Âm ta mới dám ngẩng đầu lên nhìn xung quanh, vẻ mặt ta ngạc nhiên vô cùng, ta chưa bao giờ nhìn thấy một căn phòng sạch sẽ và thơm tho đến như vậy trong đời!
Thái Âm xoa đầu ta, nói:
“Muội muội đừng sợ, ở trong phủ rất tốt, người trong phủ cũng tốt, muội ở đây lâu sẽ biết ngay thôi. Chủ tử đều rất rộng lượng chưa từng bạc đãi người hầu, tiểu thư cũng rất tốt, người đối xử với chúng ta như tỷ muội thân thiết vậy.”
Được một lát, Thái Âm lại giới thiệu với ta, tiểu thư là con gái út của Trần đại nhân, tuy nói rằng từ nhỏ nàng đã được nâng niu cưng chiều nhưng tấm lòng thiện lương, bởi vì đang dần lớn lên nên phu nhân muốn có nhiều nha hoàn hơn để bầu bạn cùng con gái, tương lai sau này cũng sẽ có trợ thủ, người hầu trong nhà đều ở phương Bắc, cho nên mới mua thêm một nha đầu ở phương Nam.
Tỷ ấy còn an ủi ta, ở Trần phủ, những người hầu cận của chủ tử còn được phát lương tháng là hai mươi đồng, số tiền này ta có thể dành dụm lại gửi về nhà tiếp tế cho người thân của ta.
Vừa nói tỷ ấy còn lấy bánh ngọt cho ta ăn.
Đó cũng là thứ mà ta chưa từng thấy trước đây, mềm mềm xốp xốp, bỏ vào miệng là tan ngay, ăn xong trong miệng còn ngập tràn hương hoa.
Ta cố gắng ăn chậm nhất có thể, chỉ sợ mình bị mang tiếng là kẻ háu ăn. Nếu như bị đuổi ra ngoài, ta sẽ không thể kiếm được hai mươi đồng hằng tháng nữa. Nếu như mỗi tháng có thể gửi về một ít tiền, cuộc sống của cha mẹ chắc sẽ tốt hơn!
Lúc này cả người ta mới dần dần thả lỏng được một chút, ngoài cửa chợt vang đến tiếng cười trong trẻo, thì ra tiểu thư đã tan học trở về nhà.
Thái Âm vội vàng vẫy tay bảo ta mau rửa tay lau mặt sạch sẽ, sau đó dẫn ta đi đến phòng ngủ của tiểu thư.
Vốn tưởng rằng phòng ngủ của Thái Âm đã rất tốt rồi, không ngờ phòng ngủ của tiểu thư còn đẹp hơn nữa, trên bàn bày biện các bình sứ tinh xảo cắm đầy hoa tươi, khăn trải bàn may tua rua bằng những chuỗi ngọc, bên giường còn có những tấm màn mềm mại được vén sang một bên.
Ta có hơi tự ti, sợ mình sẽ giẫm dơ sàn nhà, đôi chân co quắp đứng yên ở đó, lại sợ tiểu thư không thích mình, hai tay ta nắm chặt quần áo, những ngón tay đã run lên không ngừng.
Ta nghe thấy một giọng nói trong trẻo hỏi ta tên gì.
Ta ngại ngùng đỏ mặt, cất giọng be bé như muỗi kêu:
“Ta, ta tên Mãn Hoa.”
Tiểu thư cười phì bảo:
“Ta có phải là hổ đâu, ngươi sợ cái gì? Đến đây, ngẩng đầu lên. Ồ, ta vốn có ba nha hoàn, ngươi là người thứ tư, về sau cứ đi theo ta, gọi ngươi là Đồng Nhi đi.”
Ta còn chưa kịp phản ứng lại, Trương ma ma đã đẩy ta nói:
“Mau tạ ơn tiểu thư đã ban tên đi.”
Ta vội vàng quỳ xuống thì lại được tiểu thư giữ chặt:
“Nghe ma ma nói, ta và ngươi bằng tuổi, ngươi còn nhỏ tháng hơn ta đúng không? Thật tốt, đám Thái Nguyệt đều lớn hơn ta, suốt ngày dong dài đủ chuyện, nhìn xem, bây giờ ta đã có thể làm tỷ tỷ rồi này!”
Nói xong, nàng lại hô một tiếng phân phó hạ nhân, nói muốn dẫn ta đi dạo trong vườn nhà.
Trương ma ma giật mình vội lên tiếng:
“Tổ tông, tiểu tổ tông, người mới vừa tan học, đợi lát nữa Hoàng ma ma sẽ đến dạy người thêu thùa, lúc này còn muốn đi dạo khắp nơi, coi chừng phu nhân biết được, sẽ khẽ vào tay đấy!”
Nhưng tiểu thư lại thờ ơ như không, dửng dưng nói:
“Ta cũng không làm gì sai, mẹ sẽ không vô cớ đánh ta, đi thôi, ta dẫn các ngươi đi dạo!”
4.
Cuộc sống trôi qua chậm rãi trong tiếng cười sảng khoái của tiểu thư, ta cũng đã yên ổn sống ở Trần phủ được ba tháng.
Trong phủ thực sự rất rộng lượng, bắt đầu từ tháng thứ hai trở đi, mỗi tháng ta có thể nhận được mười đồng, tuy rằng ít hơn hai mươi đồng của Thái Âm, nhưng ta vẫn rất vui mừng, dẫu sao thì cha khiêng bao tải cả ngày ở bến tàu, có lúc còn chẳng nhận được một đồng bạc!
Trương ma ma nói, đợi đến khi ta ở phủ được nửa năm cũng sẽ được nhận hai mươi đồng giống như Thái Âm vậy, a di đà phật, đây thật sự là một gia đình tốt.
Bởi vì phu nhân là võ tướng, tiểu thư cũng có chút khí chất phóng khoáng, nàng cùng ăn cùng ở với ta, chưa từng xem ta như người ngoài.
Nàng dạy ta học chữ đọc sách, ta kể với nàng việc đào đất trồng trọt, hai cái đầu nhỏ chụm vào nhau, đi đến đâu cũng không tách rời.
Ta biết tiểu thư ghét nhất là việc thêu thùa, nàng luôn cau mày dậm chân nói:
“Sau này lớn lên ta sẽ làm nữ tướng quân, học mấy thứ đồ bỏ này cũng không có ích gì.”
Phu nhân bị con gái chọc giận muốn ngất đi, lão gia lại cười hề hề nhìn vợ, nói con gái giống nàng thời trẻ như đúc.
Lão gia và phu nhân yêu nhau sâu sắc.
Nghe đâu, lúc Nhạc lão gia tuyển con rể, ban đầu vốn coi thường lão gia, lo lắng văn nhân thường thay lòng đổi dạ, nhưng không ngăn nổi vẻ tuấn tú của lão gia, khuôn mặt ngọc tựa hoa đào, cánh môi mỏng phong lưu, nam nhi đầy triển vọng ấy khiến tiểu thư ở sau tấm bình phong say mê như điếu đổ, tuyên bố không phải lão gia sẽ không gả chồng, thế này Nhạc lão gia mới miễn cưỡng thổi râu trừng mắt gả con gái mình cho lão gia.
Lão gia chưa từng phụ lòng phu nhân, hơn mười năm chung sống, trong phủ không hề có thêm một di nương nào, quả thực chính là một đời một kiếp một đôi.
Lão gia quản việc bên ngoài, trong nhà một tay phu nhân quản lý, gia môn nghiêm cẩn, trật tự rõ ràng hợp lý.
Nhân khẩu trong phủ cũng đơn giản, chỉ có bốn vị chủ tử bao gồm lão gia, phu nhân, thiếu gia và tiểu thư.
Ý của lão gia chính là nam nữ như nhau, đều là con cái trong nhà nên đối xử bình đẳng, vì thế cả hai huynh muội được mời về cùng một phu tử để dạy chữ nghĩa.
Tan học, thiếu gia lại đi tập võ, cưỡi ngựa b.ắ.n cung; tiểu thư thì về nhà học cầm kỳ thêu vá.
Trong phòng tiểu thư có hai vị ma ma, một vị là nhũ mẫu Trương ma ma, quản mọi việc trong phòng tiểu thư, vị kia là Lý ma ma, quản những việc bên ngoài phòng tiểu thư.
Ngoài ra còn có bốn nha hoàn, phụ trách việc ăn mặc ở đi lại của tiểu thư.
Bởi vì ta cùng tuổi với tiểu thư nên đặc biệt được hầu hạ bên cạnh tiểu thư. Mỗi người đều có phận sự của riêng mình, ngày tháng trôi qua cũng vô cùng thú vị.
Trước đây lúc còn ở nhà, mỗi ngày trời chưa sáng đã thức dậy, đi theo mẹ lo liệu mọi việc vụn vặt lớn nhỏ trong nhà.
Cho gà cho lợn ăn, giặt quần áo, nấu cơm sáng, nhưng gia đình vẫn sống trong cảnh chật vật như thế, không có một chút lương thực dư thừa nào lại.
Trước đó ta chưa từng được như bây giờ, được ăn ngon mặc ấm, còn có thể đi theo tiểu thư đọc sách hiểu lễ nghĩa, thế giới này dường như đã trở nên nhiều màu sắc hơn.
Các ma ma trong phủ cũng rất tốt, ta tích góp lương tháng, nhờ các bà giúp đỡ gửi về nhà, các bà đều niệm a di đà trong miệng, nói ta là một đứa trẻ ngoan, không quên công ơn của cha mẹ.
Phu nhân biết ta tự nguyện bán mình đi để nuôi gia đình, bà càng khen ngợi ta nhiều hơn, bà ấy bỏ ra hai mươi lượng bạc gửi về nhà ta, bảo mẹ ta nhất định phải chữa khỏi bệnh.
Ta đi theo bên cạnh tiểu thư, học được cách làm đủ loại bánh ngọt điểm tâm, mọi người nếm thử đều khen không ngớt miệng.
Ta còn học được thêu thùa, hình vẽ thêu ra sinh động như thật, ngay cả phu nhân cũng khen ta khéo tay, khiến cho tiểu thư ghen tị, nhưng tối đến nàng vẫn lén chui vào ổ chăn của ta như thường lệ.
Lại một năm nữa trôi qua, khi người hầu ở ngoại trạch đến phủ Bình An làm việc có đi ngang nhà ta đã mang đến tin tức về cho ta.
Trong nhà đã dần tốt hơn, mẹ đã có thể ra đồng làm việc, đệ đệ cũng đã học nghề từ một thợ mộc đầu thôn.
Cha còn nhờ họ gửi lời đến cho ta, ông nói đợi ông tích góp đủ tiền sẽ đến chuộc ta về, gia đình sẽ lại tụ họp bên nhau.
Tiểu thư nghe vậy lo ta sẽ về nhà, thế là nàng kéo tay ta đến bẩm báo trước mặt phu nhân, đừng thả ta về, muốn ta ở cùng nàng cả đời.
Nhưng phu nhân lại nói, tiểu thư luyến tiếc ta đều là nhờ công lao ta trung thành hầu hạ, không có lý nào lại nhìn gia đình người ta chia cắt.
Ta xấu hổ đến đỏ mặt, vội vàng quỳ xuống nói với phu nhân và tiểu thư:
“Mọi người trong phủ đều là ân nhân của nhà con, đừng nói bây giờ vẫn chưa chuộc thân, sau này có đến chuộc rồi con cũng sẽ không về, Đồng Nhi muốn ở lại bên cạnh bên phu nhân và tiểu thư thật lâu, cả đời trung thành tận tụy, không đi đâu cả.”
Tiểu thư mừng rỡ, vội kéo ta đi thả diều.
Trên đường đi gặp phải thiếu gia đi cưỡi ngựa b.ắ.n cung trở về.
Dung mạo thiếu gia trông như lão gia thuở xưa, ôn hòa như ngọc, là một quân tử khiêm tốn.
Hắn đứng bên hồ xem ta và tiểu thư thả diều, còn giúp bọn ta nhặt diều vướng trên cây.
Cuộc sống tươi đẹp cứ thế trôi qua ba năm, vốn tưởng rằng có thể bình yên như thế đến thiên trường địa cửu, đáng tiếc mọi chuyện không như ý muốn, biến cố đã xảy ra.
5.
Đêm khuya hôm đó, Khương ma ma bên cạnh phu nhân vội vàng đến tìm ta, giao khế ước bán thân lại cho ta, thấp giọng nói với ta trong phủ đã xảy ra chuyện, bảo ta tranh thủ nhân lúc đêm khuya hãy chạy thật xa, sau này đừng nói với người khác đã từng vào phủ này, cũng đừng bao giờ quay lại.
Ta sợ ngây người, kéo lấy ma ma hỏi, còn nhóm Thái Âm thì sao?
Ma ma nói, bọn Thái Âm là nha hoàn trong nhà, cả nhà họ đều ở phương Bắc, không thoát được. Còn ta là nha hoàn mới mua được từ phương Nam, thường ngày lại ở trong phòng, hầu như không nhiều người biết được, e rằng sẽ không tra ra được vì vậy nên mới bảo ta đi mau.
Ta vẫn còn bàng hoàng, lúc muốn hỏi đến phu nhân và tiểu thư phải làm sao, Khương ma ma dậm chân, nhét vào trong tay ta một túi toàn trâm cài và bông tai, luôn miệng giục ta mau chạy đi, để muộn thì sẽ không kịp nữa!
Nói xong bà ấy liền đẩy ta đi cửa bên hông nhà.
Ta đờ dẫn đi về phía trước, trời đất bao la nhưng dường như không có nơi nào để đi, lang thang khắp một vòng cuối cùng cũng đi vòng về Trần phủ.
Trong lúc mơ hồ, bên tai ta truyền đến tiếng duyệt binh chỉnh tề của quan binh, ánh đuốc chiếu sáng bầu trời, bao vây lấy Trần phủ.
Ta lấy tay che miệng, nấp sau cây cột trong góc hẻm nhỏ nghe tiếng ồn ào giữa đêm khuya, cuối cùng ta cũng nhìn thấy lão gia phu nhân, ngay cả nha hoàn đầy tớ trong nhà đều bị áp giải lên xe ngựa, trước cổng chính dán giấy niêm phong.
Ta vô cùng sợ hãi, đợi đến khi trời sáng liền theo chân những người đi chợ sáng để ra khỏi thành, ta thuê một phòng ở ngoài ngoại ô để ở lại, dự định sẽ từ từ nghe ngóng tin tức.
Sau đó mỗi ngày ta đều đi vào thành từ sớm, ngồi ở quán trà nước bên cạnh huyện nha cho đến chạng vạng ta mới ra khỏi thành. Ta biết lão gia phu nhân và mọi người đều bị đưa vào trong huyện nha, nhưng mấy ngày liên tục, phía huyện nha lại không có động tĩnh nào.
Đến ngày thứ mười, ta nhìn thấy một bóng người quen thuộc, trông giống như cha ta, ông đang thò đầu duỗi cổ nhìn vào trong huyện nha, ta lặng lẽ đi theo sau lưng cha, đến một nơi vắng người mới gọi ông ấy dừng lại.
Quả nhiên là cha ta, ông nghe thấy tin tức Trần phủ bị khám xét nhà liền vội vàng chạy đến đây tìm con gái, lúc nhìn thấy ta vẫn còn nguyên vẹn đứng đó, nước mắt chảy dài trên gương mặt già nua:
“Mãn Hoa, bé con của cha, cha còn tưởng con cũng bị bắt vào trong đó rồi!”
Một tháng tiếp theo đó, ta và cha ở canh giữ ở trước cổng nha môn, hy vọng có thể nhận được một tin tức nào đó, nhưng vẫn không nghe ngóng được gì.
Bọn ta chỉ là những người dân đen bình thường, thực sự không biết phải tìm cách nào để đi tiếp.
Đợi mãi đợi mãi, đợi đến khi phu tử của thiếu gia và tiểu thư đến đây, ông được gọi đến huyện nha để hỏi chuyện, lúc ra ngoài ta kéo ông lại, lúc này mới biết được ngọn nguồn từ trong miệng ông.
Thì ra cấp trên của lão gia phạm tội đã liên lụy đến lão gia, cả nhà tạm thời bị giam giữ, đợi triều đình xử trí.
Những chuyện còn lại phu tử cũng không biết thêm.
Ta và cha tính toán cả đêm, sau đó đem hết chỗ trâm cài ma ma nhét cho ta đút lót cho lính canh ngục, nhân lúc đêm khuya lẻn vào trong. Trước khi vào đó, ta dập đầu trước cha, ông rưng rưng nước mắt gật đầu.
Nơi bọn ta đi vào phòng giam của nữ tử, bởi vì nữ quyến không phải người chủ sự cho nên trông coi cũng buông lỏng hơn, lính canh dặn dò vài câu liền rời đi.
Xa cách ba tháng, cuối cùng ta cũng gặp lại phu nhân và tiểu thư.
Ta lấy ra hộp thức ăn, bên trong là bánh ngọt mà tiểu thư thích ăn, trong bánh ngọt có thuốc mê, ăn vào sẽ khiến tay chân mềm nhũn vô lực, không nói được.
Ta cố tình gào khóc lớn, cha nhân thời cơ mở khóa, sau đó đổi quần áo của ta và tiểu thư, cha bế tiểu thư trong n.g.ự.c đi ra khỏi ngục giam.
Đợi đến khi lính canh ngục khóa cửa lại, ta mới thấy lòng nhẹ nhõm, thành công rồi!
Lúc này ta quỳ xuống nhỏ giọng nói với phu nhân:
“Cha của con là thợ khóa trong thôn, ông giỏi bẻ khóa, trước mắt cứu tiểu thư ra ngoài, những việc còn lại xem tạo hóa thôi!”
Phu nhân trực trào nước mắt nói không nên lời, bà chỉ ôm ta trong lòng không ngừng xoa đầu ta.
6.
Cuộc sống trong tù giam trôi qua vô cùng buồn thảm, không có ban ngày chỉ có đêm tối, khắp nơi đều là mùi hôi thối mục nát, đồ ăn toàn là gạo cũ khô khốc, quần áo chỉ là vải thô mỏng tanh.
Ta đỡ tay phu nhân ngồi xuống đống rơm.
Phu nhân hỏi ta, vì sao lại xả thân cứu tiểu thư.
Ta thành thật đáp lời:
“Vào cái ngày bán mình đi, con đã xem như mình c.h.ế.t rồi, nhưng ông trời thương xót cho con vào ở một gia đình tốt như vậy, được sống ba năm tươi đẹp đó đã là quá đủ với con rồi. Nếu như bây giờ còn không báo đáp công ơn, chẳng lẽ phải đợi đến kiếp sau mới trả ơn cho phu nhân và tiểu thư sao!”
Phu nhân nghẹn ngào không nói nên lời.
Ta an ủi phu nhân:
“Người yên tâm đi, thánh thượng sẽ điều tra rõ sự thật, đến lúc đó sẽ trả lại trong sạch cho lão gia, chúng ta sẽ được ra ngoài thôi. Tiểu thư cành vàng lá ngọc, không chịu nổi nỗi khổ chốn lao ngục này, nhưng Đồng Nhi da dày thịt béo, Đồng Nhi không sợ những thứ này. Phu nhân yên tâm, nhà con tuy rằng ở trong thôn, nhờ được phu nhân chiếu cố nên hai năm nay cuộc sống đã tốt hơn rất nhiều, cha mẹ con sẽ chăm sóc cho tiểu thư, đợi đến khi lão gia sửa lại án sai, cả nhà chắc chắn sẽ đoàn tụ!”
Đợi từ mùa xuân đến mùa thu, thỉnh thoảng lại có người đến thẩm tra, may mà từ đầu đến cuối không có dùng hình, nhưng cũng không có tin tức thả người nào.
Vào một bữa sáng cuối mùa thu, cai ngục đến mở cửa lao, muốn giải tất cả bọn ta lên kinh thành để Thánh thượng đích thân thẩm vấn.
Ta vốn tưởng rằng những ngày trong lao tù đã đủ gian nan, không ngờ rằng trên đường bị áp giải đi còn khổ cực gấp trăm lần, càng đi về phía bắc trời càng lạnh, trên người bọn ta chỉ có áo vải thô mỏng manh, đi từ sáng cho đến tối, dù những vết phồng rộp trên chân đã ứa máu, ngày hôm sau vẫn phải tiếp tục lên đường.
Trong mắt lão gia toàn là thương xót và lo lắng cho phu nhân, nhưng từ đầu đến cuối phu nhân vẫn ngẩng cao đầu thẳng sống lưng bước đi, ra hiệu cho lão gia không được khuất phục.
Ta còn nhìn thấy thiếu gia, cả người gầy đi thấy rõ, sắc mặt cũng tái nhợt. Hắn cũng nhìn thấy ta, vẻ mặt tỏ ra kinh ngạc, ta mỉm cười với hắn nhưng hắn lại buồn bã quay đi.
Haiz, về sau có cơ hội ta sẽ nói với hắn, là ta cam tâm tình nguyện đến c.h.ế.t thay, xin hắn đừng thấy áy náy trong lòng.
Đêm đó, bọn ta nghỉ lại ở trạm dịch Vĩnh Lợi Châu, ngày mai sẽ qua sông, chính thức đặt chân lên lãnh thổ phương Bắc.
Mí mắt ta cứ giật liên tục, ta cứ cảm giác như sắp có chuyện gì đó xảy ra, vì thế ban đêm không thể nào ngủ sâu được, quả nhiên sau nửa đêm, bên ngoài truyền đến tiếng chim kêu cuốc cuốc, tiếp theo đó là một cái bóng đen nhảy vào trong.
Ta nhào đến bên người phu nhân theo phản xạ có điều kiện, định lên tiếng gọi người tới, nhưng đã bị che miệng lại.
Phu nhân thấp giọng nói:
“Đồng Nhi đừng sợ, là người mình.”
Thì ra người tới là người bên nhà mẹ đẻ của phu nhân.
Người nọ quỳ xuống hành lễ, phu nhân bảo hắn nói những chuyện quan trọng trước.
Thì ra lần này gặp chuyện không may, bên phía nhạc phụ của lão gia đã muốn lập tức đến ứng cứu, nhưng thế cục triều đường bất ổn, Ngũ vương gia và Bát vương gia tranh đấu gay gắt, mà phía Nam của Vĩnh Lợi Châu là địa bàn của Bát vương gia, phía Bắc là địa bàn của Ngũ vương gia. Vị tướng quân mà Nhạc lão gia dốc sức một lòng ủng hộ là Bát vương gia, nên chỉ có thể đi đến khu vực giao thoa Nam Bắc ông ấy mới có thể cứu viện được.
Người nọ còn nói, Thánh thượng cũng đã sắp băng hà, Nam Bắc sắp trở nên loạn lạc, họ sẽ đến cướp ngục, đêm nay chúng ta sẽ rời đi.
Phu nhân siết chặt góc áo hỏi lại, chỗ cô gia nói thế nào?
Người nọ đáp, người đến cứu viện cô gia và hắn cùng lúc nhảy vào cửa sổ, đã hẹn trước canh tư sẽ cùng rời đi!
Phu nhân kéo tay ta, thấp giọng nói:
“Đồng Nhi đừng sợ, đi theo mẹ.”
Trước đó vì để che giấu tai mắt, ta sửa miệng gọi phu nhân là mẹ, mới ban đầu còn có hơi ngượng ngùng, ta cứ cảm thấy như thế là mạo phạm quý nhân.
Nhưng phu nhân nói, ta trung thành dám xả thân cứu mạng tiểu thư, vậy chính là ân nhân của Trần gia.
Huống hồ lúc ở trong tù giam, ta và phu nhân sống nương tựa lẫn nhau giống như mẹ con ruột vậy.
Người nọ còn mở gông xiềng của bọn ta, nhân lúc đêm khuya đi về phía cửa chính.
Vừa ra ngoài đã nghe thấy trong trạm dịch náo loạn hẳn lên, thì ra là người đến cứu bọn Thái Âm lúc ra ngoài đã gặp sự cố bị bọn canh ngục phát hiện, chúng đốt lửa đuổi theo.
Ta lập tức quay đầu lại, phu nhân giữ chặt lấy ta:
“Đồng Nhi ngoan, con không biết võ, trước mắt con đi theo các đại nhân đi!”
Ta chưa từng thấy phu nhân như thế này bao giờ, ngọn lửa chiếu rọi lên khuôn mặt bà, lửa đỏ cháy ánh vào đôi con ngươi đen láy, tay bà cầm kiếm, xung trận ngựa lên trước, tựa như chưa từng chịu phải nỗi khổ lao tù hơn nửa năm qua, bà quyết đánh g.i.ế.c trở lại.
Ta được người nọ ôm lên xe ngựa, tiếng c.h.é.m g.i.ế.c bên ngoài xem vang lên chừng một khắc.
Sau đó, phu nhân vén rèm cửa xe lên, đám người Thái Âm, Lý ma ma, Hứa ma ma đều lần lượt lên xe ngựa.
Lão gia và thiếu gia đã cưỡi trên con ngựa cao lớn, đoàn người nhân lúc đêm khuya lao nhanh đến bến tàu.
Đến bến tàu, mọi người xuống ngựa lên thuyền, gió thổi phập phồng cánh buồm đi thẳng về hướng Bắc.