Đạt Nguyện Vọng Của Em - 2
5
Bạn tốt của cha có dịp đến thăm.
Chú ấy đến nhà của tôi, nói với cha rằng muốn tài trợ cho một học sinh điều kiện khó khăn, thành tích học tập tốt.
Chú Lâm cười hiền hoà: “Tôi tài chính có hạn, chỉ có thể hỗ trợ cho một người. Nhưng chỉ cần đứa trẻ đó có chí, tôi nhất định sẽ giúp đỡ đến khi học cao học.”
Ánh mắt của cha tôi nhất thời sáng rực.
Ngay lúc ông chuẩn bị cất tiếng, chiếc thìa trên tay tôi rơi xuống đất “Bang” một tiếng, làm gián đoạn lời ông.
Đón ánh mắt quan tâm của chú Lâm, tôi cười nói: “Chú, có thể lấy danh nghĩa của chú, thiết lập một quỹ tài trợ cho học sinh ở trường không ạ?”
Chú Lâm có vẻ hứng thú, ngồi thẳng dậy hỏi: “Thế mà chú không nghĩ ra còn biện pháp tuyệt vời này, nghe không tệ. Úc Liễu, cháu nói rõ ra xem nào.”
Kiếp trước, bởi vì chính mình giúp Vương Kỳ chuyển trường, cha tôi có ấn tượng rất sâu với cô ta, gặp cơ hội này cũng nghĩ đến cô ta đầu tiên, muốn tranh thủ cơ hội này cho Vương Kỳ.
Nhưng lần này, tôi đã sớm nghĩ phải nói thế nào.
Tôi cười: “Quỹ tài trợ này có thể trao cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, dựa theo kết quả thi cuối kì nên rất công bằng, còn có thể khuyến khích mọi người chăm chỉ phát huy năng lực của mình.”
Chú Lâm vừa vỗ tay vừa gật gù khen ngợi ý kiến của tôi rất hay, uống thêm vài chén rượu, sau đó mới vui vẻ rời đi.
Khi chú Lâm đi rồi, vẻ mặt cha tôi ngẫm nghĩ, vừa uống rượu vừa nhấm nháp mấy củ lạc, chợt ông hỏi: “Bé con, bạn cùng bàn con, Vương Kỳ gần đây học tập như nào? Nghe nói bạn ấy thành tích sa sút, con nhớ giúp đỡ bạn đấy. Con bé đó cũng thật đáng thương.”
Trong lòng tôi chợt cảm thấy ấm ức, gần như muốn khóc: “Cha, tại sao cha chưa bao giờ hỏi đến kết quả học tập của con?”
Ông ngạc nhiên, lẩm bẩm: “Thành tích của con chưa bao giờ khiến cha phải lo lắng, luôn là TOP 3 trong trường.”
“Nói vậy, phải chờ đến khi thành tích của con tụt hạng cha mới quan tâm, có phải không? Kết quả thi năm đó của con có thể vào Nhất Trung, là cha bảo con nên ở lại Nhị Trung, nói cứ như vậy, có nhiều học sinh cũng theo đó ở lại, là chuyện tốt cho trường. Nhưng mà, cha có biết con có bao nhiêu tiếc nuối không?”
Hai hàng nước mắt của tôi chảy dài, đem theo ấm ức dồn nén của cả kiếp trước lẫn kiếp này, thổn thức rơi xuống.
Cha muốn làm một Hiệu phó có trách nhiệm, bị đám côn đồ đánh cho một thân thương tích cũng không chịu thua, nhưng ông không hề biết, mẹ và tôi đã mơ thấy ác mộng bao nhiêu lần.
Rất nhiều đêm, tôi một thân mồ hôi lạnh bật dậy, sợ ông thực sự bị người ta dùng dao ch/ém ch//ết.
Tôi biết ông là vì mục đich cao cả, làm con gái của ông, tôi nguyện ý nghe ông ở lại Nhị Trung, kẻo người ta bàn tán rằng đến con gái của Hiệu phó cũng không muốn theo học ở trường này.
Tôi cũng rất nhiệt tình hỗ trợ bạn học mới, nhưng cách Vương Kỳ trả ơn gia đình tôi lại khiến tôi nhận ra sự chân thành của chúng tôi hệt như một trò đùa.
Cha giật mình, hoảng loạn đứng lên, loay hoay lau nước mắt cho tôi, vội nói: “Cha xin lỗi, xin lỗi bé con, cha không bao giờ nghĩ như vậy.”
Kỳ thật, tôi không hề oán hận ông yêu cầu tôi ở lại Nhị Trung.
Tôi cũng vô cùng vui vẻ ở lại, là nơi tôi quen thuộc từ nhỏ, lại được ở gần cha mẹ.
Nhưng tôi sợ cha sẽ can dự vào chuyện của Vương Kỳ cùng Tôn Thiệu, tái diễn bi kịch của kiếp trước, liền đơn giản lộ ra một phần oán hận, khiến cha áy náy trong lòng, cản trở quan tâm của ông với Vương Kỳ.
6
Cuối cùng cha không hỏi về Vương Kỳ nữa, cũng không hề bảo tôi mời cô ta về nhà ăn cơm.
Sự vụ bận rộn, sự chú ý của ông cũng dần chuyển sang các việc khác, cuộc sống hạnh phúc bình yên cứ như vậy yên ả trôi.
Kì hai của lớp Mười một, Tôn Thiệu xảy ra chuyện.
Hắn ngã xuống từ tầng bốn, đầu đập xuống đất, nằm trong một vũng máu.
Nguyên nhân của chuyện này chẳng qua chỉ là một trò đùa thông thường của đám nam sinh mà thôi.
Trước đây ký túc xá nam sinh vốn là tòa văn phòng, ở trung tâm có một cầu thang xoắn ốc lớn, nối từ tầng một đến tầng bốn.
Lan can làm bằng gỗ, lâu ngày đã bị mài mòn đến bóng lưỡng.
Khi thời gian nghỉ trưa sắp kết thúc, một đám người hi hi ha ha trò chuyện, có nam sinh nói: “Trước đây tôi từng thấy một học sinh bạo gan đã trượt từ chỗ này xuống tầng một, không biết bây giờ còn ai làm được thế nữa không.”
Tôn Thiệu nghe vậy, không biết có phải do ngủ trưa chưa tỉnh hay không, vẫn chưa tỉnh táo nhưng vẫn vui cười ngồi lên lan can.
Hắn mới trượt được một chút đã bị nghiêng ngả, rơi qua khoảng trống cầu thang ngã thẳng xuống đất.
Khi nghe được ồn ào, tôi và cha cũng vừa tới cổng trường, ông vội vàng chạy về phía ký túc xá nam sinh.
Tôi đi theo phía sau, cố ý ngã trên mặt đất, kêu thất thanh “Á UI!”
Khi cha quay đầu lại nhìn, tôi kêu ầm ĩ: “Cha ơi, hình như con bị gãy xương rồi, đau chết mất!”
Giữa học sinh trong trường và con gái, cha tôi chọn vế sau, ôm lấy tôi chạy đến phòng y tế trường.
Nghe nói, thầy Hiệu trưởng đứng trước vũng máu dùng khăn tay lau mồ hôi thật lâu, chờ trái chờ phải mà vẫn không thấy Hiệu phó kỷ cương đắc lực của ông tới.
Rất nhiều giáo viên cùng học sinh trong trường xúm lại xung quanh, chờ xem vị Hiệu trưởng luôn rụt rè này định xử lý thế nào.
Ông ta chỉ có thể đứng ra xử lý, run run chỉ người còn đang nằm trên mặt đất, hô hoán: “Vẫn còn sống.”
Vương Kỳ khóc lóc thảm thiết chạy lại, ôm lấy Tôn Thiệu.
Thầy Hiệu trưởng đẩy cô ta ra, “Mau tránh ra, tránh ra, chờ xe cứu thương đến.”
Xe cứu thương đến, nhân viên y tế cẩn thận nâng Tôn Thiệu đang nằm úp trên mặt đất nâng lên cáng, khiêng cáng đi.
Vương Kỳ dùng cả tay chân, vừa khóc vừa bò theo hướng xe cứu thương.
Tinh thần trách nhiệm của thầy Hiệu trưởng đột nhiên bộc phát, ông quát lớn, “Em là học sinh lớp nào? Không đi học sao?”
Thấy cô ta không để ý tới, thầy Hiệu trưởng đi tới túm lấy cánh tay cô ta.
Vương Kỳ vung tay, đánh vào đầu ông.
Cô ta điên cuồng gào thét: “Buông tôi ra, nếu cậu ấy có mệnh hệ gì, tôi sẽ giết ông!”
Thầy Hiệu trưởng kinh ngạc đến mặt mũi trắng nhợt, đầu óc choáng váng, thậm chí còn không đứng vững.
Ngoài cổng trường, xe cứu thương hú còi inh ỏi, chạy vụt đi.
Cha mẹ của Tôn Thiệu buôn bán ở thành phố lớn, cuối cùng cũng trở về một chuyến. Gần hai năm, đây là lần đầu tiên cha mẹ hắn mới lại xuất hiện ở thành phố H này.
Cha mẹ Tôn Thiệu sinh hắn ra từ khi còn rất trẻ, kinh tế bần cùng, suốt ngày cãi vã, cuối cùng bỏ con ở lại, đi lên thành phố lớn gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, sau khi làm ăn phát đạt lại sinh đôi được một trai một gái vô cùng thông minh hiểu chuyện, coi như trân bảo.
Vậy nên, cha mẹ hắn coi như chưa từng có đứa con vừa hư hỏng vừa ngỗ nghịch ở thị trấn nhỏ này.
Sau khi cha tôi gọi mười mấy cuộc điện thoại thúc giục, hai người bọn họ mới bớt chút thời gian để trở về.
Mẹ Tôn Thiệu ngồi chờ trên băng ghế ngoài phòng ICU, vô tình nhìn thấy một cô gái y phục cũ nát, còn tưởng là ăn xin.
Bà ta nói năng không chút nể nang: “Đúng là trường học ở cái chốn thôn quê lạc hậu, quản lý không ra gì.”
Ai nhờ, khi bác sĩ tới giải thích về tình trạng của Tôn Thiệu, cô gái kia lập tức bật dậy.
Cô ta đỏ mắt chất vấn: “Sao bây giờ các người mới tới?”
Mẹ Tôn Thiệu khó hiểu: “Cô là ai?”
7
Thầy giáo Ngữ văn cho chúng tôi nghỉ một tiết, cùng cán bộ lớp đến viện thăm Tôn Thiệu..
Vừa bước vào phòng bệnh, thầy bỗng nhiên ấn bó hoa vào tay tôi, sau đó đi lên kéo Vương Kỳ lại gần.
Thầy giáo đau lòng khuyên nhủ: “Vương Kỳ, cô ngốc này, người ta có mẹ có cha, không cần em phải bỏ dở việc học hành ở lại chăm sóc. Mau theo thầy trở về.”
Thầy giáo Ngữ văn vốn là một thanh niên đến từ trấn nhỏ nuôi mộng thành nhà văn nhưng không thành, sau này mới trở thành thầy giáo của chúng tôi. Ông ta rất coi trọng khả năng của Vương Kỳ, đặt kỳ vọng rất lớn vào cô ta.
Bác sĩ trưởng khoa mặc áo blouse trắng giơ tay lên ra hiệu, khí thế nghiêm túc át chế tất cả những ồn ào hỗn loạn trước phòng bệnh.
Mọi người yên tĩnh trở lại, bác sĩ nói, “Tình trạng của bệnh nhân đã ổn định, có thể chuyển về phòng bệnh thường theo dõi. Tạm thời bệnh nhân không thể tự sinh hoạt được, cần có người ở bên cạnh chăm sóc 24/24.”
Mẹ Tôn Thiệu nghe vậy vội giãy nảy như đỉa phải vôi: “Ông trời ơi, tôi bị bệnh tăng huyết áp, không phục vụ nó được.”
Cha Tôn Thiệu vẫn đang nói chuyện điện thoại, lúc này chỉ kịp vội vàng nói với người bên kia một câu “Chờ một chút” rồi quay lại, ngơ ngác hỏi, “Có chuyện gì vậy?”
Bác sĩ lạnh lùng rời đi.
Sắc mặt mẹ Tôn Thiệu ảm đạm như đang đứng trong tang lễ, “Cần người chăm sóc nó 24/24.”
Cha Tôn Thiệu giải thích: “Cái bà này, có cái gì mà phải ầm ĩ lên, hộ lý đầy ra đấy, tìm đại một người là được, chúng ta nhanh chóng trở về thôi, việc công ty tôi còn một đống việc cần phải xử lý, ngày mai lớp con trai chúng ta còn có lịch họp phụ huynh nữa!”
Giáo viên Ngữ Văn tiến lên nói: “Hộ lý tôi có thể tìm giúp một người rất có trách nhiệm, một tháng sáu ngàn. Tình hình kinh tế của anh chị thì con số này quả thật không thấm vào đâu.”
“Cái gì? Sáu ngàn! Hai đứa nhà tôi học trường tư, tôi lại không đi làm, lấy đâu ra nhiều tiền như thế được. Ai biết nó còn nằm đây đến bao giờ? Tiền như vậy chẳng phải đem muối bỏ bể hay sao!” Mẹ Tôn Thiệu lúc này mới lộ ra vẻ mặt đau lòng.
Ngay sau đó, ánh mắt bà ta láo liên đảo khắp phòng, dừng lại trên khuôn mặt tái nhợt của Vương Kỳ.
Bà ta cất giọng ngọt như rót mật: “Cháu chắc hẳn là bạn gái của Tôn Thiệu?”
“Em ấy không phải.” Giáo viên Ngữ văn kéo Vương Kỳ che ở phía sau ông ta, “Đây là học sinh của tôi, tôi phải dẫn em ấy trở về trường tiếp tục việc học.”
Vương Kỳ vẻ mặt kiên định bước ra, nói: “Đúng vậy, cháu là bạn gái của Tôn Thiệu, cháu có thể nghỉ học ở lại chăm sóc anh ấy, nhưng dì à, cháu có một điều kiện.”
Sắc mặt của mẹ Tôn Thiệu từ vui sướng chuyển sang lo lắng, nhưng rất nhanh lại tươi tỉnh.
Bà ta nghe thấy Vương Kỳ nói: “Muốn cháu ở lại chăm sóc Vương Kỳ thì phải cho cháu một danh phận chính thức, phải để cháu đính hôn cùng Tôn Thiệu.”
“Hoang đường!” Giáo viên Ngữ văn thống khổ kêu lên.
Mẹ Tôn Thiệu thì ngược lại, bà ta tình cảm dạt dào cầm lấy tay Vương Kỳ: “Được được được, đều theo ý con, con dâu yêu quý đảm đang hiền lành của mẹ.”
Giáo viên ngữ văn dùng tay che mặt, đau thương rời khỏi phòng bệnh.
Tôi đưa bó hoa trong tay cho người cha vẫn còn đang bận bàn chuyện công việc của Tôn Thiệu, sau đó cũng rời đi.
Bước ra cổng lớn bệnh viện, không khí lập tức trở nên thoáng đãng trong lành.
Trở lại trường, tâm tình tôi vô cùng phức tạp.
Đương nhiên là tôi rất hận Vương Kỳ, nỗi hận thù tận trong xương tủy, chỉ mong cuộc sống của cô ta ngày ngày lao xuống vực sâu.
Nhưng tôi tự biết bản thân không có thủ đoạn tàn nhẫn, sống lại một đời, tôi chỉ muốn tận lực tránh xa cô ta, đảm bảo gia đình mình sống một cuộc đời yên bình.
Hôm nay, chính cô ta đã cam tâm tình nguyện bước vào con đường không có lối thoát.
8
Thầy Hiệu trưởng không phải người ghi thù cũ.
Lúc Vương Kỳ đến làm thủ tục thôi học, ông ta cố ý gọi thêm người của Liên đoàn Phụ nữ đến, cùng nhau khuyên nhủ.
Một đám người vây quanh, nói hết nước hết cái, vì cô ta mà suy nghĩ, khuyên nhủ đến khi miệng đắng lưỡi khô.
Nhưng từ đầu đến cuối, Vương Kỳ chỉ im lặng không nói.
Thầy Hiệu trưởng cũng không còn cách nào khác, chỉ có thể lui một bước thương lượng với cô ta, “Hoặc là chỉ làm thủ tục bảo lưu thôi, học kỳ sau em vẫn có thể trở về tiếp tục theo học?”
Vương Kỳ cuối cùng cũng đáp lại: “Em biết, học lực của Tôn Thiệu không thể thi lên đại học, cho nên em cũng không muốn thi. Em phải muôn tâm toàn ý chăm sóc cậu ấy, không thể trở lại học được.”
Thầy Hiệu trưởng giận đến sững sờ, chỉ vào cô ta, “Em… em… Nhất định sau này em sẽ hối hận!”
Vương Kỳ kiên định lắc đầu: “Em không bao giờ hối hận.”
Một đám người anh nhìn tôi, tôi nhìn anh, đều cảm thấy bất lực.
Toàn bộ quá trình, cha tôi đều yên lặng ngồi trên ghế, không nói một lời.
Buổi tối về nhà, ông kể lại cho tôi chuyện đã xảy ra, không thể hiểu được, “Úc Liễu, cha không ngờ bạn học này của con không chịu nghe khuyên nhủ, chẳng hề nghĩ tới tương lai của mình.”
Tôi cũng không thể hiểu nổi.
Trừ bỏ cái danh nghĩa bạn gái, Tôn Thiệu cho Vương Kỳ cái gì khác chứ?
Hắn không tốt với Vương Kỳ, lấy tiền của cô ta, sau đó còn tùy ý đánh đập, lúc nào cũng có thể vứt lại hai chữ “chia tay”, tuyệt đối không giống người nặng tình đậm sâu mà cô ta miêu tả trong tiểu thuyết.
Hiện giờ hắn ta co quắp một góc trong viện, đại tiểu tiện đều phải có người hầu hạ, không khác gì phế nhân, cô ta đập nát tiền đồ của mình, tự biến mình thành một người mẹ, rốt cuộc là vì cái gì chứ?
Rốt cuộc là dây thần kinh nào của cô ta chập mạch, khiến cô ta nhất quyết phải bám víu đem bản thân mình phụ thuộc vào một thằng con trai cơ chứ?
Không lâu sau, Vương Kỳ thôi học như ý nguyện, thu dọn đi tất cả đồ đạc của mình.
Vài ngày sau, bàn học của cô ta bị lớp bên cạnh mượn đi.
Chúng tôi vẫn như cũ nghe giảng, luyện đề, thi cử, than vãn những dấu bút đỏ chi chít trên bài thi, rất nhanh sau đó vì việc học hành vất vả mà quên đi có một người tên Vương Kỳ từng là bạn học cùng lớp.
Ký ức đau khổ của kiếp trước cũng dần nhạt phai, không còn ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi nữa.
Chỉ có giờ Ngữ văn, khi thầy giáo thở ngắn than dài tiếc nuối viết bài lên bảng, tôi mới thoáng nhớ tới cô ta.